TP Thủ Đức được thành lập với mục tiêu, kỳ vọng trở thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao; là khu kinh tế động lực mới của TP Hồ Chí Minh trong tương lai với các mục tiêu xây dựng, khai thác đồng bộ các thế mạnh hiện có. Chính quyền xác định sự phát triển của thành phố không thể tách rời chuyển đổi số, chuyển đổi số một cách đồng bộ, toàn diện và tất cả mọi đối tượng.
Song song với quá trình xây dựng từng bước trở thành đô thị thông minh, TP Thủ Đức đặc biệt chú trọng tới xây dựng từ cơ sở, mô hình cơ sở tiêu biểu của tổ chức bộ máy địa phương là khu phố.
Mô hình khu phố thông minh mà Chính quyền thành phố đặt ra mục tiêu quản lý dựa trên một hệ thống thông tin, tích hợp các dữ liệu trên nền tảng số nhà, hộ gia đình với các trường dữ liệu thông tin như chủ hộ, địa chỉ, y tế, dân cư, thuế, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng…Quản lý khu phố thông qua hệ thống camera thông minh, phủ kín các tuyến đường, hẻm; tích hợp, chia sẻ dữ liệu camera của người dân về Trung tâm hình ảnh TP Thủ Đức. Người dân chỉ cần tiếp cận một nền tảng để tiếp cận thông tin, phục vụ nhu cầu hành chính công và gửi “mong muốn” đến chính quyền.
Tại hội nghị lần thứ 24 về công tác xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền và công tác vận động Nhân dân 06 tháng đầu năm; phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 06 tháng cuối năm 2024, BCH Đảng bộ TP Thủ Đức đã thông qua nội dung triển khai thực hiện thí điểm mô hình “khu phố thông minh”. UBND TP Thủ Đức đã triển khai 15 nội dung chính (được cụ thể hóa thành 58 công việc) của mô hình “khu phố thông minh” đến 22 khu phố thuộc 05 phường thí điểm: An Phú, Bình Chiểu, Hiệp Bình Phước, Phước Long A và Thảo Điền.
Đây là mô hình này được cả hệ thống chính trị và Nhân dân, các trường Đại học trên địa bàn TP Thủ Đức thống nhất, đồng lòng thực hiện, mô hình đã được đánh giá, sơ kết và nhân rộng ra toàn thể 644 khu phố trên địa bàn 34 phường.

phát biểu tại hội nghị sơ kết thí điểm mô hình “Khu phố thông minh”.
Mô hình “khu phố thông minh” thu nhỏ phản ánh mức độ đô thị thông minh, chuyển đổi số của TP Thủ Đức, hướng đến người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, rút ngắn khoảng cách giữa người dân với Chính quyền, tạo sự tương tác giữa người dân và Chính quyền địa phương thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, tiêu biểu qua ứng dụng “Thành phố Thủ Đức”. Đây là tổng hòa các giải pháp, từ quản lý, đến thực thi và phản hồi của đối tượng thụ hưởng. Chính quyền ban hành, triển khai các chính sách, các nội dung, dịch vụ công đến người dân, đồng thời xây dựng kênh để nắm bắt được ý dân (ứng dụng thành phố Thủ Đức); trao công cụ cho người dân để thực hiện các dịch vụ công (chữ ký số công cộng; wifi miễn phí, chia sẻ mật khẩu miễn phí; thông báo khởi công xây dựng…). Tất cả các nội dung của mô hình tập trung vào đối tượng chính là người dân, hướng tới mục tiêu xã hội số của TP Thủ Đức. Mô hình khả thi, sát thực tế và phù hợp với mục tiêu phát triển của TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh là hướng tới xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số, phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước.
Xây dựng Hệ thống quản lý “Khu phố thông minh” là công cụ cần thiết để theo dõi, đề xuất biện pháp, điều chỉnh kịp thời vận hành xây dựng thành công “Khu phố thông minh”.

Ngày 02/9/2024, GS.TS Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có bài viết “Chuyển đổi số – động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” trên Báo Công thương.
Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế – xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại – “phương thức sản xuất số”, mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội, tạo ra những công cụ mới trong quản lý nhà nước, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa nhà nước và công dân, giữa các tầng lớp xã hội.
Với kết quả đạt được ban đầu, mô hình khu phố thông minh đã hiện thực hóa phương thức sản xuất số, định hướng bước đi đúng đắn với quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư đã nêu.
Ngọc Sen