Thành phố Thủ Đức Nâng tầm đội ngũ cán bộ công chức để triển khai hiệu quả các cơ chế từ Nghị quyết 98

CHÍNH TRỊ TIN NỔI BẬT

TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/5 GDP, hơn 1/4 thu ngân sách quốc gia, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và xuất nhập khẩu, là trung tâm dịch vụ và công nghiệp lớn và là địa phương có số lượng doanh nghiệp hoạt động lớn nhất cả nước. TP Hồ Chí Minh luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo của Quốc hội, các cơ quan Trung ương. Nhằm thúc đẩy TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước, ngày 30/12/2022 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những quan điểm và mục tiêu cụ thể để phát triển Thành phố. Tiếp theo, ngày 24/6/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh (Nghị quyết số 98) có hiệu lực từ ngày 01/8/2013 với cơ chế, chính sách cụ thể trong từng lĩnh vực nhằm tạo động lực phát triển mới cho Thành phố. Qua đó cho thấy sự quan tâm, tạo điều kiện từ Trung ương để TP Hồ Chí Minh phát triển đúng với vị thế, tiềm năng, trở thành trung tâm kinh tế đứng đầu cả nước.

Lãnh đạo TP Thủ Đức tặng biểu trưng cho Tổ Nghiên cứu triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.

Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh gồm 12 Điều với 44 cơ chế, chính sách quan trọng và có ý nghĩa chiến lược trên 7 lĩnh vực, bao gồm: Quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách Nhà nước; Quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; Ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tổ chức bộ máy của chính quyền TP Hồ Chí Minh và tổ chức bộ máy Chính quyền của TP Thủ Đức. Nghị quyết số 98 đem đến nhiều cơ hội triển khai các dự án, tạo lợi ích cho xã hội cũng như tạo đà cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh, cụ thể như: TP Hồ Chí Minh sẽ huy động được rất lớn nguồn lực đầu tư của xã hội trong bối cảnh nguồn ngân sách có giới hạn. Một số dự án treo sẽ được tháo gỡ và đi vào hoạt động tạo đà để thành phố phát triển. Nghị quyết số 98 cho phép TP Hồ Chí Minh dùng đầu tư công để triển khai dự án, giải phóng mặt bằng; cho phép các nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tự nguyện chuyển đổi toàn bộ công nghệ sang xử lý có thu hồi năng lượng được xem xét bổ sung khối lượng theo hình thức đặt hàng (không phải tổ chức đấu thầu), điều này sẽ giúp cho thành phố đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải từ công nghệ chôn lấp sang đốt rác phát điện. TP Hồ Chí Minh được thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các dự án ưu tiên như xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ sinh học, tự động hóa, vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn từ 3.000 tỷ trở lên; đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), Chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn từ 30.000 tỷ trở lên. Đặc biệt, Nghị quyết 98 cho phép TP Hồ Chí Minh được hưởng 100% nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon để phục vụ các chương trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố…

Đại biểu chụp hình lưu niệm cùng tập thể, nhóm tác giả, cá nhân đạt giải hội thi viết hiến kế thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.

Khi thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh, một mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước được kỳ vọng nơi đây sẽ là một cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam phát triển bền vững, song lâu nay TP Thủ Đức chỉ như một đơn vị hành chính cấp quận. Do đó, trong Nghị quyết số 98, Quốc hội dành riêng Điều 10 quy định tổ chức bộ máy chính quyền thành phố Thủ Đức về phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn trong một số lĩnh vực rất quan trọng. Các cơ chế, chính sách này “Vừa là đòn bẩy vừa là nguồn lực tại chỗ” giúp TP Thủ Đức có đủ thẩm quyền trong quản lý, điều hành, có nguồn lực để triển khai công việc thúc đẩy phát triển thành phố theo định hướng quy hoạch. Có thể nói, Nghị quyết số 98 là động lực để TP Thủ Đức phát triển, tạo điều kiện hoàn thành mô hình thành phố trong Thành phố.

Ngay khi Nghị quyết được ban hành, cùng với Thành ủy TP Hồ Chí Minh, TP Thủ Đức đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo chỉ đạo[1] các Cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và Đoàn thể, các cơ quan, đơn vị thực hiện phần việc được giao, đồng thời quán triệt trong toàn hệ thống chính trị, trong Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 98, phát động đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, giáo viên, giảng viên, doanh nhân, sinh viên, lực lượng vũ trang… trên địa bàn TP Thủ Đức cùng tham gia cuộc thi viết hiến kế thực hiện Nghị quyết số 98.

Khi Nghị quyết số 98 có hiệu lực, nhiều dự án đang chờ các Sở, ngành điều chỉnh quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư cũng được chuyển cho TP Thủ Đức và TP Thủ Đức đã và đang khẩn trương tiếp nhận và triển khai như: đã thực hiện phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết (Điểm c, Khoản 1, Điều 10); chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước sử dụng vốn ngoài ngân sách (Điểm b, Khoản 1, Điều 10).

TP Thủ Đức đã thực hiện phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn trực thuộc, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc, Ủy ban nhân dân các phường, Chủ tịch UBND các phường một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của UBND TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức (Khoản 2, Điều 10). Có thể nói, việc phân cấp, ủy quyền đã mở ra cho TP Thủ Đức nhiều thẩm quyền tự chủ trong quản lý vận hành và là cơ sở pháp lý quan trọng để TP Thủ Đức tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo mô hình chính quyền đô thị từng bước tạo ra động lực cho sự đổi mới của TP Thủ Đức ở hiện tại và tương lai. UBND TP Thủ Đức đã ban hành 22 quyết định ủy quyền cho các phòng, ban chuyên môn, thủ trưởng các phòng ban chuyên môn, UBND và Chủ tịch UBND các phường với 154 nội dung ủy quyền thuộc tất cả các lĩnh vực quản lý. Việc này đã giúp cho việc điều hành hoạt động của Chính quyền TP Thủ Đức đạt nhiều thuận lợi, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp.

TP Thủ Đức cũng đã tổ chức bộ máy, rà soát, xây dựng lại cơ cấu các phòng ban, đơn vị phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Chính quyền đô thị phù hợp để đáp ứng năng lực quản trị (Khoản 3, khoản 4, Điều 10). Cụ thể như: thành lập Ban đô thị thuộc HĐND TP Thủ Đức, bổ sung 2 Phó Chủ tịch HĐND TP Thủ Đức; thành lập Trung tâm An sinh xã hội, Trung tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư; thành lập Thanh tra Xây dựng (tiếp nhận chức năng từ Đội Thanh tra địa bàn trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và Đội Quản lý trật tự đô thị từ Phòng Quản lý đô thị); thành lập Phòng Giao thông công chính và Trung tâm Hành chính công trực thuộc UBND TP Thủ Đức. Giữ nguyên mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của 08 cơ quan chuyên môn trực thuộc gồm: Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND, Phòng Nội vụ, Phòng Tư pháp, Thanh tra, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Y tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường.  Sắp xếp, tổ chức lại và đổi tên 05 cơ quan chuyên môn do chuyển chức năng, nhiệm vụ để phù hợp yêu cầu nhiệm vụ: Phòng Tài chính – Kế hoạch đổi tên thành Phòng Tài chính; Phòng Kinh tế đổi tên thành Phòng Kinh tế – Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Văn hóa – Thông tin đổi tên thành Phòng Văn hóa – Thể thao và Du lịch; Phòng Khoa học – Công nghệ đổi tên thành Phòng Khoa học – Công nghệ và Thông tin; Phòng Quản lý đô thị đổi tên thành Phòng Quy hoạch – Xây dựng. Bổ sung 07 Phó Chủ tịch UBND phường với quy mô dân số trên 50.000 dân.

Nhìn nhận thực tế, Nghị quyết 98 là cơ hội, song cũng là thách thức cho TP Thủ Đức, khi mà TP Thủ Đức được thành lập với nhiều kỳ vọng lớn thì thách thức sẽ càng nhiều. Với xuất phát điểm của TP Thủ Đức còn hạn chế về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng thì chính cơ chế chính sách Nghị quyết 98 đã tạo sự bứt phá, mở đường để phát triển tiềm lực cho TP Thủ Đức và giúp định hướng TP Thủ Đức phát triển trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, song khi TP Thủ Đức được trao quyền buộc TP Thủ Đức phải có trách nhiệm và phải nâng tầm đội ngũ cán bộ công chức để triển khai hiệu quả các cơ chế từ Nghị quyết 98.

Có thể nói, Nghị quyết 98 đã tạo một khung pháp lý có giá trị như một đạo luật để TP Thủ Đức nâng cao tính chủ động trong quản lý điều hành, phát triển và đặc biệt trong vấn đề huy động nguồn lực, tạo đà phát triển cao như kỳ vọng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai bước đầu đã gặp không ít khó khăn như: mặc dù Nghị quyết số 98 có quy định nhưng vẫn phải thực hiện theo các quy định pháp luật có liên quan, cán bộ được phân công nhiệm vụ thiếu kinh nghiệm, TP Thủ Đức được giao thêm nhiệm vụ nhưng chưa được bổ sung biên chế. Trước những vấn đề khó khăn đặt ra, Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức đã thành lập Tổ Nghiên cứu Nghị quyết 98[2] định kỳ họp bàn các giải pháp và có sự đột phá quyết liệt trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, trước mắt tập trung một số nội dung như: thẩm định, tham mưu phê duyệt dự án đầu tư đối với các dự án nhóm B, nhóm C đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Điểm a, Khoản 1, Điều 10); nội dung phê duyệt đề án sử dụng tài sản công là nhà, đất vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết trên địa bàn TP Thủ Đức sau khi có ý kiến của Hội đồng nhân dân TP Thủ Đức (Điểm d, Khoản 1, Điều 10); thực hiện nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ (Điểm đ, Khoản 1, Điều 10).

Lúc này đây, TP Thủ Đức cần sự cộng lực từ TP Hồ Chí Minh, các Sở ngành TP Hồ Chí Minh và đặc biệt là vai trò trách nhiệm của hệ thống cán bộ, công chức của TP Thủ Đức, hơn hết là của các doanh nghiệp, người dân TP Thủ Đức. Với cơ chế từ Nghị quyết số 98, sự chủ động sáng tạo của lãnh đạo Thành ủy – UBND TP Hồ Chí Minh và TP Thủ Đức, Nghị quyết số 98 sẽ tạo một nền tảng cơ sở để Thủ Đức thay đổi diện mạo và sẽ sớm trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, thực sự trở thành động lực tăng trưởng mới của TP Hồ Chí Minh.

Ban Thường vụ Thành ủy mong muốn Đảng viên, cán bộ công chức, viên chức, doanh nhân, nhân sĩ, trí thức, đoàn viên, hội viên, công nhân, người lao động tiếp tục nghiên cứu Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, nhất là các vấn đề: (1) Nghiên cứu rà soát, xây dựng quy trình triển khai nhà ở xã hội đối với đất được Nhà nước giao, đất được nhà nước cho thuê, đất có quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật (điểm d, khoản 3, Điều 6 Nghị quyết 98); (2) Triển khai lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các cơ quan, hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP Thủ Đức (các trường học, cơ sở y tế); tham gia hiến kế Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục hoàn chỉnh các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 98 trên địa bàn TP Thủ Đức.

BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY THỦ ĐỨC


[1]. Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 15/7/2023; tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt triển khai, quán triệt Nghị quyết số 22-NQ/TU và cán bộ chủ chốt thực hiện phiếu bày tỏ nhận thức sau khi tiếp nhận Nghị quyết số 98; triển khai Kế hoạch số 253-KH/TU ngày 30/6/2023 về tổ chức cuộc thi viết hiến kế về thực hiện Nghị quyết số 98;  Kế hoạch số 269-KH/TU ngày 17/8/2023 về tuyên truyền, triển khai quán triệt Nghị quyết số 98; tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch số 267-KH/TU ngày 10/8/2023 về tổ chức phát động đợt hoạt động cao điểm 500 ngày thi đua chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2025) và 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) trong toàn hệ thống chính trị của Đảng bộ thành phố Thủ Đức đăng ký thực hiện các công trình, dự án thiết thực, có ý nghĩa.

[2]. Tổ Nghiên cứu triển khai thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức với 5 Nhóm giúp việc ở từng lĩnh vực cụ thể: Nhóm Tài chính – Tài nguyên, Nhóm Kinh tế – Đầu tư, Nhóm Quy hoạch – Đô thị – Khoa học công nghệ, nhóm Bộ máy – pháp chế và Nhóm Văn hóa – Xã hội.