Ngay từ khi thành lập, TP Thủ Đức luôn nêu cao quyết tâm xây dựng thành phố phát triển theo định hướng “đô thị thông minh, sáng tạo; có chất lượng sống tốt, văn minh – hiện đại – nghĩa tình; phát triển nhanh, bền vững” thông qua việc triển khai Đề án “Đô thị thông minh và Chuyển đổi số tại TP Thủ Đức giai đoạn 2021-2025”. Bên cạnh đó, ưu thế về đặc điểm tình hình địa phương có các cảng lớn tập trung trên địa bàn như: Trường Thọ, Cát Lái, Phú Hữu, Phước Long…; và nhiều công trình giao thông, hạ tầng xã hội trọng điểm được đầu tư xây dựng (dự án đường Vành đai 3, đường Vành đai 2, Tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên) đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để TP Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, tạo tiền đề cho đầu tư xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP Hồ Chí Minh, là hạt nhân thúc đẩy cả vùng Đông Nam Bộ phát triển kinh tế tri thức.
- Lợi thế phát triển mô hình TOD
Theo Nghị quyết 98 (quy định tại khoản 2, Điều 4), TP Hồ Chí Minh được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (Transit oriented development – TOD) và sử dụng ngân sách công cho bồi thường, tái định cư ở các khu vực gần nhà ga Metro và nút giao Vành đai 3. Đây được xem là bước đột phá và mô hình này được kỳ vọng tối ưu hóa giá trị đất đai quanh các nhà ga, tạo thêm nguồn vốn tái đầu tư hạ tầng giao thông. Đồng thời, tăng mật độ dân cư gần các điểm giao thông trọng yếu, tăng cường sự quan tâm của người dân đối với hệ thống giao thông công cộng.

Tại TP Hồ Chí Minh, mô hình TOD được nhận định đặc biệt phù hợp phát triển tại TP Thủ Đức vì có 8/11 nhà ga trên cao thuộc tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Ngày 30/10/2024 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch thực hiện phát triển 11 đô thị nén theo mô hình TOD dọc tuyến Metro số 1, Metro số 2 và tuyến Vành đai 3 theo Nghị quyết 98. Trong giai đoạn từ đây đến năm 2025, TP Thủ Đức sẽ phát triển TOD đối với 03 khu đất trên địa bàn gồm: khu vực ga Phước Long – khu Trường Thọ, diện tích 160,63ha (tuyến Metro số 1); khu đất Nông trường Dừa 152,6ha (đường Vành đai 3); khu vực 29ha thuộc phường Long Bình (Nhà máy Nhatico, đường Vành đai 3). Qua đó, tạo thêm dư địa phát triển từ giá trị đất, đảm bảo khả năng dự trữ cho tương lai và bảo vệ môi trường sinh thái.
Đánh giá lợi thế của TP Thủ Đức trong chiến lược phát triển mô hình TOD, ông Sử Ngọc Khương, ThS Quản lý đô thị và công trình nhận định: Bên cạnh tiềm năng sẵn có, tốc độ phát triển đô thị của Thủ Đức gần đây khá nhanh. Việc phát triển mô hình TOD tại đây sẽ giải quyết bài toán về giao thông, tác động tích cực đến hoạt động sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển các dự án nhà ở, tạo nhu cầu giãn dân trung tâm và thu hút di dân cơ học ở các nơi về TP Thủ Đức – nơi có hạ tầng đô thị khá đồng bộ, đặc biệt là tại các ga của tuyến Metro số 1. Tuy nhiên, theo tôi, việc cấp thiết và khá thách thức hiện nay mà Thủ Đức cần thực hiện là phân cấp mục tiêu trước mắt và dài hạn cụ thể để có phương án triển khai mô hình TOD trên địa bàn; đẩy mạnh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công; chuẩn bị mọi nguồn lực từ nhân lực đến vật lực… nhằm đảm bảo tiến độ và mục tiêu đã đề ra, tránh tạo áp lực cho đội ngũ thực thi và ảnh hưởng niềm tin, sự kỳ vọng của người dân.
Giai đoạn này, Đảng bộ và Chính quyền TP Thủ Đức vẫn luôn tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy tối đa mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế theo hướng “Dịch vụ – Công nghiệp” gắn với công nghệ cao. Tập trung triển khai từng bước quy hoạch và đầu tư phát triển các khu chức năng; chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Hướng đến mô hình TOD, trong tương lai Thủ Đức sẽ tập trung hoạt động thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thường nhật của người dân mà không cần di chuyển xa xôi. Nơi đây hứa hẹn phát triển các khu đô thị, dự án “all-in-one” phục vụ đa công năng vừa ở, vừa thương mại, vừa làm việc. Thủ Đức sẽ vươn mình trở thành đô thị TOD đáng sống, thu hút đông đảo lực lượng lao động trí thức, chuyên gia, các gia đình trẻ… đến sinh sống, hình thành cộng đồng năng động, văn minh.
Là thanh niên trẻ có vinh dự được tham gia các chương trình quốc tế thanh niên và diễn đàn đối ngoại nhân dân của các nước trong và ngoài khu vực Đông Nam Á, anh Võ Lập Phúc (22 tuổi), hiện đang công tác tại Văn phòng UBND TP Thủ Đức cho biết tầm quan trọng của mạng lưới giao thông công cộng cho định hướng phát triển bền vững của đô thị và sự phù hợp khi triển khai mô hình TOD tại TP Hồ Chí Minh nói chung và TP Thủ Đức nói riêng. “Trong chương trình giao lưu do Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tổ chức, tôi tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích và thú vị qua cách họ quản lý và đồng bộ hoạt động giao thông công cộng trên một nền tảng thống nhất – Hệ thống Giao thông thông minh Hàn Quốc (TOPIS). Nhờ vậy, việc quản lý tốc độ, quản trị rủi ro/tai nạn và khả năng khắc phục xử lý được thực hiện một cách tối ưu, đảm bảo sự liên kết liền mạch. Hay như ở Singapore, hệ thống giao thông công cộng cũng được phát triển thành một mạng lưới các trục vận hành hiệu quả, nhất là công tác phân luồng khoa học, đảm bảo sự ưu tiên cho các phương tiện công cộng. Tôi hy vọng trong tương lai, chúng ta sẽ có những giải pháp phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương nhằm đưa mô hình TOD đến gần hơn với người dân trên cơ sở từng bước hoàn thiện khung pháp lý và thể chế. Từ đó, người dân được thụ hưởng giá trị của TOD, thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương” – anh Võ Lập Phúc chia sẻ.
- Xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao trong tương lai
Thời gian qua, bằng nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, TP Thủ Đức đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu đã đề ra. Song song đó, với sự cộng hưởng tích cực từ Nghị quyết 98 mang lại, TP Thủ Đức dần tiến gần đến mục tiêu lớn nhất là xây dựng “TP Thủ Đức trở thành khu đô thị sáng tạo, có chất lượng cuộc sống tốt, văn minh – hiện đại – nghĩa tình, phát triển nhanh, bền vững”.
Theo đó, TP Thủ Đức đặt ra những mục tiêu và định hướng rõ ràng trong tương lai. Cụ thể, đẩy mạnh phát triển 9 ngành dịch vụ; đa dạng các loại hình thương mại bán lẻ hiện đại kết hợp du lịch mua sắm, phát triển nhanh thương mại điện tử; phát triển mạnh thị trường tài chính, hiện đại hóa hệ thống thanh toán, hướng đến áp dụng hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt; khai thác tốt dịch vụ cảng, vận tải đa phương thức, xây dựng hệ thống kho bãi hiện đại; hoàn thiện dịch vụ hậu cần hàng hải và xuất – nhập khẩu.

Đồng thời, xuất phát từ tôn chỉ “đặt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp lên hàng đầu”, chính quyền địa phương đã triển khai và khai thác các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, diễn đàn công nghệ, lễ hội khoa học nhằm thể hiện quyết tâm của TP Thủ Đức đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển thành thành phố thông minh, đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực công. Qua đó, thúc đẩy TP Thủ Đức trở thành hạt nhân để phát triển kinh tế và vùng trọng điểm phía Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với ba trụ cột quan trọng của đô thị thông minh – chuyển đổi số là: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Bằng cách đẩy mạnh và ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng số vào các hoạt động trên địa bàn, TP Thủ Đức đang từng bước xây dựng và phát triển TP Thủ Đức trở thành đô thị thông minh. Hiện nay, TP Thủ Đức có Khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Có thể thấy, TP Thủ Đức đang dần trở thành nơi hội tụ đầy đủ về công nghệ cao, nguồn nhân lực và trung tâm tài chính để phát triển đúng với kỳ vọng là hạt nhân dẫn đầu, thúc đẩy kinh tế của TP Hồ Chí Minh và cả vùng.
Để đạt được mục tiêu nói trên, đòi hỏi sự chung tay, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị. Từ khi thành lập đến nay, BCH Đảng bộ, BTV Thành ủy Thủ Đức đã tập trung lãnh đạo hoàn thành nhiều nội dung quan trọng, xây dựng và phát triển thành phố theo định hướng đề ra, chủ động tham mưu BTV Thành ủy TP Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ và cơ chế phát triển TP Thủ Đức giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng chí Hoàng Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho rằng các kết quả khả quan mà thành phố đạt được trong thời gian qua là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Trong đó, từ Nghị quyết 98, TP Thủ Đức đã có một bộ máy Chính quyền đặc thù, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.“Đây là cơ hội lớn cho TP Thủ Đức – mô hình Chính quyền đô thị, “thành phố trong thành phố” trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước – tăng tốc và tạo ra đột phá tăng trưởng kinh tế – xã hội. Sự nỗ lực không ngừng nghỉ cùng sự đồng thuận giữa Chính quyền với người dân và doanh nghiệp là nền tảng đưa TP Thủ Đức trở thành biểu tượng của sự phồn thịnh, đổi mới và đoàn kết” – đồng chí Hoàng Tùng khẳng định.
Chỉ còn hơn 5 tháng nữa là đến thời điểm tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Thủ Đức lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030. Cùng với đó là hàng loạt sự kiện lịch sử, chính trị trọng đại của đất nước và TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra trong năm 2025. Chính vì vậy, TP Thủ Đức nêu cao quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra. Song song đó, là nhiệm vụ chuẩn bị tốt cho kỳ Đại hội đầu tiên của Đảng bộ thành phố kể từ khi thành lập đến nay. Tại hội nghị lần thứ 26 BCH Đảng bộ TP Thủ Đức, đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, UVBTV Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Thủ Đức đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện như sau: phấn đấu hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công, đạt chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2024; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2024 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội”; tập trung phối hợp tháo gỡ, giải quyết các vấn đề tồn đọng về môi trường, ngập nước, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm…

Bí thư Thành ủy Thủ Đức nhấn mạnh: “Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP Thủ Đức phải “gói” được ý Đảng, lòng dân; phải đưa thực tiễn cuộc sống vào Nghị quyết để mỗi người dân thấy được “hình bóng của chính mình” trong từng chủ trương của Đảng; phải để người dân trực tiếp thảo luận, bàn bạc và tham gia vào xây dựng Nghị quyết của Đảng”. Đây sẽ là cơ sở để TP Thủ Đức vận dụng triệt để cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội từ “cây đũa thần” Nghị quyết 98 và cụ thể hóa bằng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Thủ Đức lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030. Qua đó, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, phấn đấu vì mục tiêu xây dựng TP Thủ Đức trở thành “Đô thị thông minh, sáng tạo; có chất lượng sống tốt, văn minh – hiện đại – nghĩa tình; phát triển nhanh, bền vững”.
Chí Lộc – Thanh Nhàn – Lan Thanh