Đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Bí thư Thành ủy Thành phố Thủ Đức
Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, giá trị tinh thần bất diệt xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Xây dựng và củng cố đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở, nền tảng quan trọng trong phát huy toàn diện sức mạnh trí tuệ, sự sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự tôn, tự hào dân tộc, là động lực lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tổng kết 20 năm thực hiện Nghi ̣ quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, ngày 24/11/2023, Đảng ta tiếp tục nhất quán quan điểm “về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.
Trong bài phát biểu mới đây, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là thời kỳ phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hướng tới mục tiêu xây dựng thành công nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Mọi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phát triển toàn cầu. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là từ Đại hội XIV của Đảng, khi cả dân tộc sẽ đoàn kết, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng để đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển.
Trong suốt chiều dài lịch sử 94 năm xây dựng và phát triển của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam – Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Đoàn kết luôn là nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và Nhân dân, là niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau, giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Sau 04 năm thành lập, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Thủ Đức đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu để tập trung xây dựng một mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước. Được sự quan tâm của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bằng Nghị quyết số 08/NQ-TU ngày 31/12/2021 và với lợi thế được thí điểm nhiều cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, đến nay, thành phố Thủ Đức đã cơ bản hoàn thiện bộ máy theo Nghị quyết; kinh tế – xã hội phát triển, đảm bảo quốc phòng, an ninh; các chương trình an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân đã được thực hiện với sự chung tay, góp sức từ mọi giai tầng trong xã hội. Qua lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, người dân Thủ Đức đã không ngần ngại trong hiến đất, mở hẻm; trong góp sức chia sẻ những khó khăn, hỗ trợ người nghèo, người yếu thế đến việc giúp nhau từng cọng rau, túi gạo để cùng nhau vượt qua những thời điểm khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; những hình ảnh ấm áp khi các bà, các chị cùng nhau gói những đòn bánh Tét dành tặng người già neo đơn, những suất cơm nghĩa tình giúp người khó khăn ấm lòng trong những ngày mưa bão, hay những câu chuyện về trồng cây, chống ngập, mở hẻm, làm đường trong “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” không chỉ là minh chứng cho tinh thần đoàn kết mà còn là những khoảnh khắc chạm đến trái tim, khắc sâu vào ký ức của mỗi người dân Thủ Đức. Những khoảnh khắc ấy không chỉ là sự kết nối về vật chất mà còn là sự đồng cảm, sẻ chia và gắn bó về mặt tinh thần, giúp tạo nên một cộng đồng vững mạnh, đầy ắp tình yêu thương.
Những kết quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 08/NQ-TU của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết của Thành ủy Thủ Đức là quá trình cùng nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị thành phố; mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ lực lượng vũ trang và của mỗi người dân thành phố Thủ Đức đã luôn gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung. Điều đó đã khẳng định, khối đại đoàn kết toàn dân tộc thành phố đã không ngừng được củng cố và phát huy, trở thành nền tảng ổn định, vững chắc cho sự phát triển bền vững của thành phố.
Trước thềm kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam – Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024), chào mừng thành công Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh khóa XII, Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X. Với tâm thế bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đây cũng là thời điểm để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Thủ Đức đẩy mạnh thực hiện giai đoạn tăng tốc đợt hoạt động cao điểm 500 ngày thi đua chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2025), 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Đặc biệt, ngay sau Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025-2030, Tôi tin tưởng và gửi trọng trách cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh thi đua sáng tạo trong thực hiện thắng lợi 01 nội dung trọng tâm, 03 đột phá, 05 tại chỗ và 7 công trình trọng điểm do Ban Chấp hành Đại hội dự kiến trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025-2030. Để làm được việc này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cần giữ vai trò nòng cốt chính trị trong tập hợp, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện có hiệu quả chương trình “sáng tạo tại chỗ”; tập hợp rộng rãi các giới, chú trọng phát huy vai trò của các vị chuyên gia, đội ngũ trí thức đang sinh sống trên địa bàn khi đạt được một kết quả bất kỳ, Mặt trận Tổ quốc tại phường phải đến nhà riêng chúc mừng, đồng thời tổ chức nghiên cứu xây dựng những giải pháp, sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên ứng dụng công nghệ, cải tiến tối ưu hóa quy trình và nâng cao chất lượng dịch vụ công, phục vụ Nhân dân; tham gia hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng đô thị thông minh, sáng tạo tại thành phố Thủ Đức. Đặc biệt, chú trọng tạo điều kiện để Nhân dân tham gia hiến kế, góp ý xây dựng nội dung hoạt động của từng khu phố, phát huy vai trò tự quản của Nhân dân, xây dựng mô hình hoạt động tự quản tại khu dân cư với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, để mỗi một khu dân cư, mỗi một hoạt động, công trình của từng khu dân cư trên địa bàn Thủ Đức đều là những điểm sáng của sự kết nối cộng đồng, nơi mà người dân cùng nhau chung tay xây dựng những giá trị tốt đẹp, những chuẩn mực để xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn tình làng – nghĩa xóm, khu dân cư “Đoàn kết, nghĩa tình, tự quản”.
Tinh thần đại đoàn kết, sức sáng tạo của Nhân dân thành phố Thủ Đức thời gian qua không chỉ là di sản, truyền thống quý báu mà còn là động lực và nguồn cảm hứng để các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục bước đi vững chắc trên con đường phát triển của thành phố. Mỗi bước tiến, mỗi thành tựu của thành phố Thủ Đức đều mang dấu ấn của tinh thần đoàn kết, sức sáng tạo, sự đồng lòng, khát vọng và của niềm tin vào tương lai tốt đẹp mà mỗi thành tố trong khối Đại đoàn kết toàn dân tộc thành phố cùng nhau hướng tới.
Tôi kêu gọi sự dấn thân, phấn đấu, đóng góp, cống hiến của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ lực lượng vũ trang cùng Nhân dân thành phố hành động trên tinh thần “mỗi giờ một tin vui, mỗi ngày một câu chuyện đẹp, mỗi tuần một công trình thiết thực phục vụ Nhân dân” đóng góp cụ thể vào khối đại đoàn kết tập hợp sức mạnh của toàn dân để xây dựng thành phố Thủ Đức “Văn minh – Hiện đại – Nghĩa tình”!
Thủ Đức, ngày 07 tháng 11 năm 2024