Phòng trưng bày Nhà truyền thống Di tích lịch sử Căn cứ Vùng bưng sáu xã trên đường Lã Xuân Oai, phường Long Trường, thành phố Thủ Đức (gần cầu Tăng Long) là nơi giới thiệu truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân Căn cứ Vùng Bưng sáu xã trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, gồm 03 chủ đề.
1. Bưng Sáu Xã trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1930 – 1954):
Căn cứ Bưng Sáu Xã là tên gọi của các xã nằm trên vùng đất bưng biền thuộc cánh Nam huyện Thủ Đức xưa (nay là thành phố Thủ Đức). Bưng Sáu Xã xưa có vị trí chiến lược rất quan trọng.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Căn cứ Bưng Sáu Xã chỉ gồm các xã: Phước Trường, Tam Đa, Ích Thạnh. Đến năm 1952, ba xã này nhập lại lấy tên là xã Long Trường.
Sang thời kỳ chống Mỹ, từ xã Long Trường đã mở rộng thêm 5 xã: Phú Hữu, Phước Long, Bình Trưng, An Phú, Tăng Nhơn Phú. Tên gọi Căn cứ Bưng sáu xã được phổ biến từ năm 1960, dần dần trở thành tên chính thức của vùng đất bưng biền phía Nam của Thủ Đức.

Dấu tích lịch sử về vùng đất này đến nay vẫn được giữ gìn và lưu truyền qua các di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia và thành phố như: Bót dây thép Đình Phong Phú, Chùa Bửu Thạnh …

Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Thủ Đức được thành lập vào tháng 01/1930 ở Đề-pô xe lửa Dĩ An do đồng chí Nguyễn Đức Thiệu, làm Bí thư cùng các đảng viên: Phạm Hữu Lầu, Lê Hoàng Minh, Phan Văn Tân…Từ Chi bộ này, đảng viên đã xây dựng lực lượng, tạo dựng cơ sở cách mạng; lãnh đạo nhân dân tích cực chuẩn bị lực lượng, để đánh lại thực dân Pháp và tay sai. Bằng tinh thần bất khuất người dân Vùng Bưng cùng lực lượng Thanh niên Tiền phong với những thủ lãnh phong trào như: Đồng chí Trần Thắng Minh, Trịnh Phong Đán, cùng nhân dân Thành phố Sài Gòn – Gia Định giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945.

Vũ khí được quân và dân Bưng Sáu Xã tự tạo là những vũ khí tuy rất thô sơ, nhưng dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Ủy ban hành chánh lâm thời Thủ Đức: Hồ Văn Tư (Chủ tịch); đ/c Đào Sơn Tây (Uỷ viên quân sự) và đ/c Võ Mỹ (Uỷ viên chính trị) và nhiều đồng chí khác… nhân dân Bưng Sáu Xã tiến về Sài Gòn biểu tình và dự mít tinh mừng Quốc khánh vào ngày 02/9/1945.
Từ năm 1946 – 1955, Bưng sáu xã dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Thủ Đức. Căn cứ Huyện ủy Thủ Đức và Mặt trận Liên Việt đóng tại ấp Long Thuận xã Long Phước… Nhân dân đã tổ chức đấu tranh giành nhiều chiến công như: Tiêu diệt bọn lính Cao Đài từ bót Trường Lộc sang Căn cứ Khu B cướp phá; phục kích xe chở lương thực; đánh sập nhiều cây cầu như: Tăng Nhơn Phú, Trao Trảo, Ông Nhiêu, Tam Đa, Giồng Ông Tố và cầu Sụp… nhằm chặn đường tiến quân của địch; uy hiếp, bức rút một số đồn bót địch xung quanh vùng Căn cứ. Nhiều gia đình Bưng Sáu Xã trở thành cơ sở nuôi dấu cán bộ và bộ đội; nhân dân tích cực đóng góp lương thực, thực phẩm và thuốc men cho các lực lượng chiến đấu tại Vùng Bưng.
Người dân Bưng sáu xã cũng đã chịu biết bao đau thương bởi bom đạn và những trận càn quét, cướp bóc do thực dân Pháp gây ra. Nhưng bên cạnh nỗi đau, mất mát của người dân, Bưng Sáu Xã là niềm tự hào với những chiến công và những con người bình dị mà anh hùng. Dù chiến tranh đã qua, nhưng trong lòng quân và dân Bưng sáu xã vẫn mãi ghi nhớ tấm lòng vì đồng đội, vì nhân dân và sự hy sinh cao cả của đồng chí Trương Thị Nương, Tiểu đội trưởng dân quân xã Long Phước: đã nén đau thương chấp nhận con mình chết ngạt nhằm giữ bí mật bảo vệ du kích và dân làng trú ẩn tránh cuộc càn quét của địch.
Ngoài những thành tích tiêu biểu đã nêu trên, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Huyện ủy, quân và dân Bưng sáu xã đã vận dụng linh hoạt các hình thức đấu tranh khác như: Binh vận, chống bắt lính, biểu tình đòi chồng con đi lính cho địch trở về với gia đình, vận động làm nội ứng cho ta… Du kích và nhân dân yêu nước ở Bưng sáu xã đã sát cánh cùng các đơn vị lực lượng vũ trang đóng tại đây, tổ chức nhiều trận đánh chống địch càn quét làm tan rã hàng ngũ địch. Đồng thời, tích cực sản xuất, thực hành tiết kiệm như: Phong trào “Hủ gạo tình thương”, “Con gà kháng chiến” được nhân dân tích cực ủng hộ, góp phần hỗ trợ các lực lượng vũ trang yên tâm chiến đấu, giành nhiều chiến công, góp phần vào chiến thắng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau thất bại ở chiến dịch Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải kí Hiệp định Genever và rút toàn bộ quân về nước. Nhưng, đế quốc Mỹ với âm mưu xâm chiếm nước ta, ngay từ lâu đã tìm cách viện trợ cho Pháp để dần hất cẳng Pháp xâm lược nước ta, nên tìm mọi cách phá hoại Hiệp định Geneve: Dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, tiếp tay cho chúng để đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân ta. Cuộc đấu tranh của quân và dân Bưng sáu xã trong thời gian từ (1954 – 1963), đòi địch phải thi hành hiệp định Geneve và chống lại Quốc sách “Ấp chiến lược”… gặp rất nhiều khó khăn, ác liệt.
Bưng Sáu Xã trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 – 1975):
Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bưng sáu xã tiếp tục là nơi bám trụ chiến đấu của các lực lượng như: Huyện ủy Thủ Đức, quân và dân Bưng sáu xã; Biệt động cánh Nam; Đơn vị Quân Y – K20 (1961 – 1975); Tiểu đoàn 4 Thủ Đức (1965 – 1975)…
Từ năm 1954 – 1960, Căn cứ Bưng sáu xã là địa bàn bám trụ của một số cán bộ, đảng viên của các chi bộ Bưng sáu xã. Các đồng chí Huyện ủy viên đã thường xuyên chỉ đạo phong trào đấu tranh như:Đồng chíTrương Văn Ngư – Bí thư Huyện ủy Thủ Đức; Lê Hoàng Minh (Một Gồng), Bí thư Huyện ủy Dĩ An (1960 – 1961); đồng chí Phạm Văn Thanh – Bí thư Huyện ủy Thủ Đức (1957) và làm Bí thư Huyện ủy Thủ Đức (Thủ Đức và Dĩ An năm 1960 – 1962), Bí thư Huyện ủy Nam Thủ Đức (tháng 6/1962) luôn trực tiếp chỉ đạo nhân dân vùng bưng đấu tranh chính trị với địch đòi thi hành Hiệp định Genever, Hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, chống khủng bố, chống địch tố cộng, diệt cộng…

Cũng như nhân dân miền Nam, nhân dân Bưng Sáu Xã cũng chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến dịch tố cộng, diệt cộng của chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhiều người dân đã bị Mỹ, nguỵ giết hại trong những trận càn, nhiều gia đình bị mất nhà cửa; lực lượng bám trụ nơi đây gặp nhiều khó khăn và một số đồng chí đã hi sinh.
Nhưng, dưới sự lãnh đạo của huyện ủy, quân và dân Bưng sáu xã vẫn sáng tạo, linh hoạt, tìm mọi cách để chống lại Quốc sách “Ấp chiến lược” của địch, nhiều căn hầm bí mật được đào trong nhà dân, trong những nơi kín đáo để nuôi dấu, che chở cho cán bộ, bộ đội bám trụ hoạt động như: Hầm bí mật, cơ sở kinh tài của huyện Thủ Đức tại đình Phong Phú; Lu đựng nước, hầm bí mật của nhân dân Bưng sáu xã để nuôi dấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng hoạt động bám trụ.
Năm 1962, đồng chí Mai Văn Cá còn gọi là Tám Cá (1935) là cán bộ tình báo cánh Nam. Trong một chuyến đi công tác tại xã Long Trường đã bị địch phục kích bắn bị thương vào tay, do điều kiện khó khăn lúc bấy giờ, không có thuốc điều trị ngay, nên vết thương bị nhiễm trùng, dẫn đến hoại tử. đồng đội đã dùng chiếc cưa gỗ đểcắt cánh tay và kịp thời chữa trị vết thương cho đồng chí. Đến năm 1974, đồng chí Mai Văn Cá đã hi sinh khi đi công tác tại xã Tăng Nhơn Phú.
Giai đoạn từ 1961 – 1964, Huyện ủy Thủ Đức đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh diệt ác phá kềm, giải phóng một số xã, ấp, tổ chức trừng trị bọn chỉ điểm, mật thám, chống địch gom dân lập ấp chiến lược, phá ấp chiến lược trở về làng..
Nhiều gia đình người dân vùng Bưng là cơ sở cốt cán của cách mạng như: Gia đình bà Ngô Thị Ba, bà Huỳnh Thị Túy (xã Tăng Nhơn Phú) và gia đình bà Nguyễn Thị Dự (xã Phước Long) là cơ sở cách mạng của Tiểu đoàn 4 từ 1965 -1975.
Lực lượng vũ trang huyện Thủ Đức và du kích 6 xã vùng bưng dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Thủ Đức tổ chức phục kích bọn dân vệ ở Long Phước, Phú Hữu; diệt bót Long Bình; giải phóng ấp Phước Hiệp xã Long Trường; bẻ gãy trận càn lớn của địch vào Căn cứ Bưng sáu xã; đánh bót Ông Nhiêu, bót Long Thuận, bót Trường Lưu; phá ấp chiến lược Phước Hiệp ở xã Long Trường; phục kích đánh chìm 2 xuồng tuần tiễu của địch trên sông Kinh.
Một số vũ khí được bộ đội sử dụng ở Bưng sáu xãnhư: ĐKZ 75; khẩu súng Carbin M1; súng AK47; Vườn nhà ông Hai Quảnh (xã Phước Long) là nơi bộ đội đặt pháo bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất, Dinh Độc Lập, kho xăng Nhà Bè… trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Ngoài ra, quân và dân Bưng sáu xã đã tự tạo một số vũ khí để đánh Mỹ, ngụy như: Chông tre; chông bàn; chông rải 4 cạnh; ống phóng kim loại di động…
Từ 1965 – 1975: Căn cứ Bưng sáu xã còn có thêm Tiểu đoàn 4 Thủ Đức được trên giao nhiệm vụ bám trụ tại đây để cùng với chiến trường Nam Thủ Đức cùng nhân dân chặn đánh địch và phá thế phân chia tuyến, vùng của địch; chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Thời kì 1969 – 1973, Huyện ủy gồm các đồng chí:Nguyễn Văn Mỹ (Ba Mỹ); đồng chí Nguyễn Văn Mạnh… luôn bám sát để lãnh đạo quân và dân Vùng Bưng đấu tranh đánh bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ. Một số gia đình người dân Vùng Bưng tiếp tục đào hầm nuôi dấu cán bộ, bộ đội và du kích...

Một số tấm gương chiến đấu tiêu biểu trong giai đoạn này như: Đồng chí Đặng Thị Liên, người chỉ huy đặt mìn tại quán Minh Tâm (ấp Chợ Nhỏ, Tăng Nhơn Phú) tiêu diệt 23 tên lính ngụy vào ngày 4/10/1970; đồng chí Võ Văn Hữu, người trực tiếp tham gia trận đánh mìn tại cầu Bến Nọc ngày 19/01/1970, tiêu diệt và làm bị thương 75 tên địch; các đồng chỉ Ngụy Hữu Mại, Trần Văn Hưởng và Nguyễn Văn Dương tham gia đánh vào sân bay Dĩ An ngày 13/10/1971, phá hủy 8 chiếc máy bay lên thẳng của địch.
Một số tài liệu ghi lại những chiến công của quân dân Căn cứ Vùng bưng sáu xã: Bức thư của Bộ chỉ huy Phân khu 5 khen ngợi thành tích của cán bộ và chiến sĩ Đội 8 Đặc công trong trận tập kích sân bay Dĩ An ngày 13/10/1971… và những tài liệu tuyên truyền của Huyện ủy do đồng chí Trần Xuân Trí (9 Thức) – Nguyên Bí thư liên Quận 9 và Quận Thủ Đức giai đoạn 1970 – 1973 cung cấp như: Tuyên truyền cho công nhân trên địa bàn Thủ Đức (năm 1970); Tuyên truyền cho công nhân hãng dệt Sicovina năm 1970; bức thư của đ/c Trần Xuân Trí gửi cho bà chủ trại chăn nuôi Phước Long về việc đóng góp cho cách mạng năm 1970…

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26 – 30/4/1975), quân dân Bưng sáu xã phối hợp với các lực lượng vũ trang tiến về giải phóng Sài Gòn.
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, ngày 30/04/1975, quân và dân Bưng sáu xã đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực tiếp quản cơ sở, kho tàng và thu gom những loại phương tiện, vũ khí của địch để lại.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Căn cứ Vùng bưng sáu xã đã chịu nhiều đau thương mất mát do chiến tranh gây ra, hàng ngàn gia đình bị địch đốt phát tài sản, nhà cửa, nhiều người dân và cán bộ, chiến sĩ bị địch giết hại trong các cuộc càn quét, bắn phá. Vùng Bưng Sáu Xã có lúc trở thành vùng trắng bởi chất độc hoá học của Mỹ…nhằm tiêu diệt tổ chức cách mạng. Đau thương, mất mát và di chứng chiến tranh đến nay vẫn còn để lại cho nhiều người dân nơi đây qua nhiều thế hệ…
3. Các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
Kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, với những thành tích của quân và dân Bưng sáu xã trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quí:
- 6 đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
- 10 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
- Và hàng trăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng…
Đất nước sạch bóng quân thù, cùng với nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước, quân và dân Bưng sáu xã tập trung toàn lực khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.


