DI TÍCH LỊCH SỬ – VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA BÓT DÂY THÉP

DI TÍCH LỊCH SỬ
Khối nhà chính Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia Bót dây thép 

Trước năm 1945, Bót dây thép có tên gọi là “Nhà dây thép”. Công trình này do hai người Pháp là Hermall và Stéru thiết kế để làm trạm phát và thu nhận tin tức của người Pháp, nơi gửi tin đi và nhận tin đến từ các nơi.

Ban đầu, Nhà dây thép được xây dựng theo lối kiến trúc dạng nhà sàn để tránh thú dữ, xung quanh có nhiều cửa sổ trổ ra bốn hướng; dưới tầng trệt chỉ là những cột bê tông cốt thép, không có vách tường, chỉ có cầu thang gỗ để đi lên lầu. Tháng 3 năm 1945, phát-xít Nhật đảo chính, hất cẳng Pháp ở Ðông Dương, Nhà dây thép bị quân Nhật chiếm giữ. Sau đó không lâu, phát-xít Nhật bị đánh bại, thực dân Pháp quay trở lại và Nhà dây thép lại thuộc về tay người Pháp.

Cuối năm 1945, một Đại đội lính Lê dương do tên Trung úy Pirolét chỉ huy đến chiếm đóng ở xã Tăng Nhơn Phú và đóng quân tại Nhà dây thép. Sau khi đóng quân tại đây, Pirolét đã cho cải tạo lại Nhà dây thép, biến nơi đây thành “Bót” nên được gọi là “Bót dây thép”. Tên Trung úy Pirolét đã cho đào 02 căn hầm sâu khoảng 02 mét dưới mặt đất để làm nơi giam giữ tù nhân:

– Hầm Biệt giam, còn gọi là Hầm tử để giam những người chúng cho là thành phần nguy hiểm. Hầm còn được xây thêm 04 bức tường cao 80 cm bao xung quanh nhằm ngăn ngừa tù nhân vượt ngục. Miệng hầm hình vuông, mỗi cạnh 40 cm, chỉ vừa đủ thả thẳng đứng mỗi lúc 01 người vào bên trong.

– Hầm Tạm giam, còn gọi là Hầm sinh, dùng để giam giữ những người chúng cho là tội nhẹ hơn. Nắp hầm đổ bê tông và cho khoét một lỗ tròn nhỏ dùng để lấy sáng và thông gió. Miệng hầm thường được đóng kín bằng một tấm thép rất nặng

Hàng ngày, khi trời vừa rạng sáng, tên Trung úy Pirolet chỉ huy Đại đội lính lê dương của hắn xông vào từng nhà dân lùng sục, cướp của, hãm hiếp phụ nữ và bắt thanh niên đưa về Bót giam giữ, tra tấn, hòng truy tìm tin tức của các chiến sĩ cách mạng. Sau đó, chúng thường gán cho họ cái tội “làm chính trị”, làm Việt Minh, Cộng sản.

Chỉ trong vòng 02 năm, tính từ đầu năm 1946 đến cuối năm 1947, đã có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng và người dân vô tội bị giặc Pháp bắt về Bót dây thép. Trước khi bị giam xuống hầm, các tù nhân thường bị bọn chúng đánh đập, tra tấn hết sức dã man bằng đủ mọi cực hình tàn độc nhất như: Trói quặt tay, chân tù nhân ra phía sau rồi treo ngược lên xà nhà; Phía dưới, giặc chất củi, chất rơm, rạ để đốt; hoặc bắt tù nhân nằm ngửa rồi đổ từng ca nước xà bông vào miệng cho đến khi bụng của người tù trương phình lên. Sau đó bọn lính thay nhau giẫm đạp lên bụng của họ cho nước trào ra; hoặc dùng những cây dùi sắt nung đỏ, đâm vào da thịt họ…

Hầm biệt giam tại Bót dây thép
Hầm tạm giam tại Bót dây thép

Sau khi tra tấn dã man các tù nhân, bọn giặc phân loại họ rồi tống giam xuống hầm sâu. Theo lời bác Bảy Lù (một nhân chứng may mắn sống sót) kể lại: Chỉ cần ở dưới căn hầm tối tăm, ngột ngạt, hít phải mùi xác người lẫn mùi phân người vương vãi khắp nơi cũng đủ làm cho tù nhân khiếp sợ.

Mỗi khi cần đưa tù nhân từ dưới hầm sâu lên để tra tấn, xét hỏi; bọn lính phải dùng một sợi dây thừng thắt thòng lọng ở một đầu rồi thả đầu dây xuống tròng vào cổ họ để chúng kéo lên. Nhiều người trước khi bị giam dưới hầm đã bị đánh đập, tra tấn dã man và sau đó bị bỏ đói nhiều ngày nên kiệt sức, nhiều khi được kéo lên chưa khỏi miệng hầm thì đã chết. Những người may mắn chưa chết thì ngay lập tức tiếp tục bị tra tấn.

Xe bò chở xác đồng bào, chiến sĩ sau khi bị thực dân Pháp sát hại ở Bót dây thép rồi đem ném xuống dạ cầu Bến Nọ
Xuồng ba lá thực dân Pháp dùng để truy lùng bắt các chiến sĩ cách mạng
Bộ phản dùng để cột người vào khi tra tấn
Thùng phuy sắt chứa nước xà phòng dùng trong khi tra tấn tù nhân

Dây kẽm gai dùng để xỏ xiên qua lòng bàn tay các chiến sĩ cách mạng

–  Mũ lính để múc nước xà phòng đổ vào miệng các chiến sĩ cách mạng

Dùi sắt nung đỏ để đâm  vào thân thể các tù nhân

Cây tầm vông dùng đánh tù nhân mỗi khi tra tấn

Lưỡi cuốc bị đem đi nung đỏ, sau đó bắt tù nhân đứng lên

Móc sắt dùng để treo tù nhân lên khi tra tấn:

–  Nam: Trói 2 tay ra phía sau lưng và chân, treo người úp ngược xuống

– Nữ: Trói 2 tay treo thẳng đứng, hoặc trói 2 chân treo dốc ngược đầu xuống

Dây xích, dây điện, dây thừng:

Dùng để trói, chích điện tù nhân khi tra tấn

Dao dùng để chặt đầu các chiến sĩ cách mạng

“Ách Râu” là một tên Tây nổi tiếng tàn ác ở Bót dây thép, hắn thường dùng một cây dao dài để chặt đầu tù nhân. Sau đó, cắm phần đầu của người tù lên các cây cọc tre vạt nhọn và mang đi cắm thành hàng dài trước cổng Bót. Phần thân không đầu thì hắn cho chất lên xe bò kéo đến cầu Bến Nọc và ném xuống sông.

Không chỉ chặt đầu, ném xác tù nhân xuống sông, bọn giặc dã man còn bắt những người tù chưa bị chúng giết phải đến hôn hít, liếm môi, liếm mắt những cái đầu đang bị cắm trên cọc tre để bọn chúng vui đùa, vỗ tay reo hò trên nỗi đau của đồng bào ta. Man rợ hơn, chúng còn mổ bụng, moi gan, cắt tai của những người tù bị giam giữ tại Bót.

Để trả thù cho đồng bào ta bị giặc Pháp sát hại dã man tại Bót dây thép, ngày 14 tháng 6 năm 1946, được người dân ở gần Bót báo tin: Buổi sáng sớm, sẽ có một chiếc xe nhà binh của giặc Pháp chở một tên “Tây có râu” chạy từ trong Bót dây thép về hướng trung tâm Thủ Đức. Ngay lập tức, du kích xã Tăng Nhơn Phú phối hợp cùng bộ đội địa phương Thủ Đức, do các đồng chí: Nguyễn Văn Banh, Nguyễn Văn Hiển và đồng chí Hưng chỉ huy bố trí phục kích tại khu vực cây Mít Nài nhằm tiêu diệt bằng được tên Ách Râu khát máu. Khi chiếc xe của địch từ hướng trung tâm Thủ Đức quay trở về Bót dây thép lọt vào trận địa phục kích của ta, bộ đội, du kích liền nổ súng. Sau đó chúng ta mới được biết: tên “Tây” bị giết không phải là tên Ách Râu mà ta quyết tâm tiêu diệt.

Để trả thù cho tên “Tây có râu” bị ta chặt đầu, ngay ngày hôm sau, tên Trung úy Pirolét cho lính kéo toàn bộ tù nhân ở dưới hầm lên được 24 người. Rồi lệnh cho lính lấy một sợi dây kẽm gai dài, xỏ xuyên qua lòng bàn tay tất cả họ lại với nhau và áp tải đến rừng Chồi trước cửa Đình Phong Phú. Đến nơi, hắn bắt tất cả tù nhân quỳ xuống rồi ra lệnh cho lính xả súng bắn chết một lượt.

Chỉ trong vòng 02 năm, từ đầu năm 1946 đến cuối năm 1947, đã có trên 700 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ của ta bị giặc Pháp sát hại dã man tại Bót dây thép rồi ném xác xuống dạ cầu Bến Nọc. Trong số đó, có nhiều cán bộ cốt cán của Đảng và người dân như: Đồng chí Trương Văn Non, Trương Văn Lên, Hồng Văn Bàu, Tống Văn Sự, Huỳnh Văn Mẹo, Đặng Trung Tâm, Nguyễn Thị Thê, Võ Văn Sương…

Các nhân chứng từng bị giam ở Bót dây thép

1. Ông Bùi Văn Hâm (Tự Ba Lai) – Sinh năm 1915

2. Ông Nguyễn Văn Hiển (Năm Hiển)- Sinh năm 1928

3. Ông Nguyễn Văn Thê – Sinh năm 1934

4. Ông Nguyễn Văn Bá (Tự 5 Bá) – Sinh năm 1920

5. Ông Nguyễn Văn Lý (Tự Tư Phương) – Sinh năm 1920

6. Ông Nguyễn Văn Cung (Tự Tư Cung) – Sinh năm 1935

7. Ông Nguyễn Văn Danh (Tự Ba Nhiêu) – Sinh năm 1822

8. Ông Nguyên Văn Muốn (Tự Hai Dây) – Sinh năm 1818

9. Ông Nguyễn Văn Tuế (Tự Năm Tý) – Sinh năm 1825

10. Ông Nguyễn Văn Niệt (Tự Bảy Lù, Bảy Bay) – Sinh năm 1916

11. Ông Lê Văn Lợi (Ông Hai Leo)

12. Bà Lê Thị Cầu

Các đồng chí đã tham gia chiến đấu trên chiến trường Thủ Đức

1. Đồng chí Trương Văn Ngư – Bí thư Huyện ủy Thủ Đức năm 1955

2. Đồng chí Trần Văn Mỹ – Bí thư Huyện ủy Nam Thủ Đức

3. Đồng chí Trần Thành Đạt – Nguyên Phó Chánh  ủy Thành đội Sài Gòn – Gia Định trong kháng chiến chống Mỹ

4. Đồng chí Đặng Thị Liên – Chỉ huy trực tiếp đặt mìn tại quán Minh Tâm ấp Chợ Nhỏ, xã Tăng Nhơn Phú, diệt 23 tên lính ngụy đang ăn tại đây (ngày 4/10/1970).

5. Hình ảnh Đồng chí Võ Nết (Tư Nết) – Bộ đội Trần Phú tham gia trận diệt Đồn Gò Dưa

Một sốhình ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng của Thủ Đức tại phòng Trưng bày Di tích Bót dây thép:

Hình ảnh các Bà mẹ Việt Nam anh hùng: Bà Hồ Thị Nành, Bà Nguyễn Thị Xiếu, Bà Trần Thị Huê, Bà Nguyễn Thị Mười, Bà Dương Thị Chức, Bà Trần Thị Liên, Bà Nguyễn Thị Đặng, Bà Võ Thị Ánh, Bà Bùi Thị Nguy, Bà Trương Thị Khinh, Bà Nguyễn Thị Đồng, Bà Huỳnh Thị Khè, Bà Trương Thị Búp, Bà Lê Thị Biếu, Bà Nguyễn Thị Hú…

Các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam

1. Anh hùng LLVTNDVN Nguyễn Văn Tăng (Sinh: 1932; Mất: 12/8/1982)

2. Anh hùng liệt sĩ Lê Văn Việt; Quê quán xã Long Phước – Thủ Đức, được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTNDVN.

3. Đồng chí Trương Văn Thành (Sinh năm 1945; Mất: 28/12/1978), được tuyên dương Anh hùng LLVTNDVN

4. Anh hùng liệt sĩ Võ Văn Hát: Được tặng 01 Huân chương Chiến sĩ giati phóng; 01 Huân chương Kháng chiến hạng ba; Anh hùng LLVTNDVN.

5. Đồng chí Nguyễn Văn Bá (Sinh năm 1932; Hy sinh:  08/01/1968); Ngày 06/01/1978 được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTNDVN

Tượng Liệt sĩ Nguyễn Minh Quang
 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam
Tượng Mẹ Trương Thị Nương
(1906 – 1990; xã Long Phước, Thủ Đức)
Mẹ đã hy sinh đứa con ruột của mình để cứu Tiểu đội Vệ quốc đoàn thoát trận càn của Pháp năm 1947

Bót dây thép là một Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia có giá trị rất tiêu biểu về mặt lịch sử, là một “địa ngục trần gian” đối với biết bao người dân vô tội, là chứng tích ghi dấu tội ác dã man của thực dân Pháp đối với nhân dân ở khu vực Thủ Đức, đặc biệt là vùng Tăng Nhơn Phú trong thời gian từ cuối năm 1945 đến cuối năm 1947. Đồng thời, nơi đây cũng thể hiện tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường, không chịu khuất phục trước kẻ thù tàn bạo của nhân dân Sài Gòn – Gia Định nói chung và nhân dân vùng Dĩ An – Thủ Đức nói riêng.

Bia căm thù đặt trong khuôn viên Đền tưởng niệm Bến Nọc

Năm 1976, Đảng bộ, chính quyền Huyện Thủ Đức lập Bia Căm thù để sự kiện lịch sử “Địa ngục trần gian thời Pháp thuộc Bót dây thép” trong những năm 1946 – 1947: Thực dân Pháp đã sát hại dã man hơn 700 đồng bào, chiến sĩ ta rồi ném xác xuống dạ cầu Bến Nọc. Tội ác này mãi được khắc ghi. Tháng 3 năm 1946, dân quân du kích địa phương đã đánh chìm hai ghe giặc Pháp, tiêu diệt 15 tên địch để trả thù cho đồng bào ta”.

Với những giá trị lịch sử tiêu biểu của di tích Bót dây thép, ngày 18 tháng 01 năm 1993, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) đã quyết định xếp hạng di tích Bót Dây Thép là di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia.

Bằng công nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia Bót dây thép