ĐỀN TƯỞNG NIỆM ANH HÙNG, LIỆT SĨ BÌNH TRƯNG

DI TÍCH LỊCH SỬ

VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÙNG ĐẤT

Thời chúa Nguyễn, vùng đất này thuộc Tổng Bình An, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên (Trấn Biên Hòa). Năm Gia Long thứ 7 (1808), huyện Phước Long được nâng lên thành phủ Phước Long, tổng Bình An được nâng lên thành huyện Bình An. Lúc này, huyện Bình An thành lập thêm 2 tổng mới là: Tổng Bình Chánh và Tổng An Thủy. Khu vực này thuộc Tổng An Thủy, huyện Bình An.

Dưới thời vua Minh Mạng, do dân số ngày càng tăng nhanh và diện tích khai phá ngày càng nhiều nên có một số Tổng mới được thành lập. Huyện Bình An lúc này có 8 tổng. Trong đó, tổng An Thủy cũ được phân chia thành 4 tổng mới là: An Thủy Thượng, An Thủy Hạ, An Thủy Đông, An Thủy Trung.

Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), huyện Bình An được chia thành 2 huyện mới là: Huyện Bình An và huyện Nghĩa An (Ngãi An). Vùng đất Quận 2 thời kỳ này thuộc huyện Nghĩa An, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hoà.

Sau khi Hòa ước Nhâm Tuất (1862) được ký kết giữa Triều đình Nhà Nguyễn và thực dân Pháp, Triều Nguyễn đã nhượng bộ cắt 3 tỉnh miền ĐôngNam kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) cho Pháp. Thời kỳ này, người Pháp đã xóa bỏ hết cấp tỉnh, phủ, huyện để chia 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ thành 13 địa hạt. Lúc này, huyện Nghĩa An cũ trực thuộc địa hạt Thủ Dầu Một.

Năm 1867, thực dân Pháp chiếm luôn 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ và chia Nam kỳ lục tỉnh thành 24 hạt. Theo đó, huyện Nghĩa An cũ tách khỏi địa hạt Thủ Dầu Một và thành lập hạt Nghĩa An.

Năm 1868, hạt Nghĩa An đổi thành hạt Thủ Đức và sau đó hạt Thủ Đức bị xóa bỏ để nhập chung vào hạt Sài Gòn. Kể từ đây, vùng đất Thủ Đức bắt đầu tách ra khỏi tỉnh Biên Hoà và trực thuộc hạt Sài Gòn.

Năm 1889, hạt Sài Gòn đổi tên thành tỉnh Gia Định, Thủ Đức lúc này trực thuộc tỉnh Gia Định.

Năm 1910, người Pháp tái lập lại 2 cấp hành chính là phủ và huyện, nhưng gọi chung là “Quận”. Tỉnh Gia Định lúc này bao gồm 4 quận là: Thủ Đức, Gò Vấp, Hóc Môn, Nhà Bè. Quận Thủ Đức lúc này có 5 tổng với 19 xã, thôn. Trong đó, tổng An Bình bao gồm 5 xã là: An Phú, An Khánh, Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi, Phú Hữu.

Năm 1960, theo chỉ đạo của Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, huyện Thủ Đức được chia làm 2 huyện: Huyện Thủ Đức và huyện Dĩ An.

Năm 1961, huyện Thủ Đức và huyện Dĩ An lại được sáp nhập lại thành huyện Thủ Đức như cũ.

Năm 1962, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định lại chủ trương một lần nữa chia huyện Thủ Đức ra làm 2 huyện (lấy Xa lộ Biên Hòa – Sài Gòn làm ranh giới): Phía nam Xa lộ lấy tên là huyện Thủ Đức; Phía bắc Xa lộ lấy tên là huyện Dĩ An.

Tháng 10 năm 1967, để chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân, huyện Thủ Đức được chia thành 4 quận, huyện: huyện Bắc Thủ Đức, huyện Nam Thủ Đức, huyện Dĩ An và Quận 9 (bao gồm 2 xã: An Khánh và Thủ Thiêm). Như vậy, địa bàn khu vực này ngoài 2 xã là An Khánh và Thủ Thiêm thuộc Quận 9; còn 3 xã nữa là An Phú, Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi thuộc huyện Nam Thủ Đức (trong đó, xã An Phú và xã Bình Trưng nằm trong Căn cứ Vùng bưng 6 xã của ta).

Tháng 6/1969, do tình hình thiếu cán bộ nên ta sáp nhập Quận 9 (An Khánh, Thủ Thiêm) vào huyện Nam Thủ Đức.

Khoảng giữa tháng 4/1975, Thành ủy Sài Gòn – Gia Định quyết định thống nhất 2 huyện (huyện Nam Thủ Đức và huyện Bắc Thủ Đức) thành một huyện với gọi Thủ Đức (toàn bộ khu vực này thuộc huyện Thủ Đức).

Thực hiện Nghị định 03/CP, ngày 06/01/1997 của Chính phủ về việc thành lập các quận mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01/04/1997, huyện Thủ Đức được chia tách để thành lập 3 quận mới là: Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức nhằm phục vụ cho việc đẩy mạnh phát triển kinh tế đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 09/12/2020, Thành phố Thủ Đức chính thức được thành lập theo Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội khóa 14, trên cơ sở sáp nhập 3 quận: Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức.

Ngày 31/12/2020, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết thúc 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ và quân dân ở đây đã vinh dự được Nhà nước ta trao tặng danh hiệu cao quí “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho 2 tập thể là xã Bình Trưng, xã An Phú. Để có được những thành tích rực rỡ ấy, đã có những người con của quê hương Quận 2 vĩnh viễn nằm lại nơi mảnh đất thân yêu này…

MỘT SỐ HIỆN VẬT ĐANG TRƯNG BÀY TẠI ĐỀN TƯỞNG NIỆM

1. Hiện vật “Chiếc xe gắn máy hiệu Honda” (Honda đam):

Xe gắn máy hiệu Honda (Honda đam) do bà Ngô Thị Tiến ở xã Bình Trưng mua vào khoảng năm 1967 – 1968, rồi giao cho con gái là bà Nguyễn Thị Thu Vân sử dụng. Từ năm 1968 – 1975, chiếc xe được dùng để vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, giao liên, liên lạc thư từ… phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt chiếc xe dùng làm phương tiện đi rải truyền đơn của ta ở khu vực các xã: Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi, An Phú. Bà Nguyễn Thị Thu Vân là người điều khiển xe chở Xã đội trưởng xã Bình Trưng Phạm Văn Chính ném lựu đạn vào bót đầu cầu Giồng Ông Tố. Bà dược nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì và cấp giấy chứng nhận “Gia đình có công với cách mạng”.

2. Hiện vật « Cà men » (Hộp đựng cơm):

Cà men » (Hộp cơm) đồng chí Bùi Văn Kẽm (1943 – 1992) – Nguyên là Đại đội trưởng ngành quân giới Khu Sài Gòn – Gia Định sử dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

* Cà men được đồng chí Huỳnh Thị Song Thành (là vợ đồng chí Kẽm) trao tặng lại.

3. Hiện vật « Radio »:

Radio được nhân dân Củ Chi tặng cho đồng chí Huỳnh Thị Song Thành (sinh năm 1944) – Nguyên là Trưởng kho quân giới Khu Sài Gòn – Gia Định, sử dụng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ từ năm 1970 – 1975. Đồng chí Huỳnh Thị Song Thành hiện là hội viên Hội Cựu chiến binh phường Bình Trưng Đông.

* Hiện vật được Huỳnh Thị Song Thành trao tặng.

4. Hiện vật « Khăn quàng cổ »:

Khăn quàng cổ  của đồng chí Nguyễn Thị Thất (tự Hồng), quê ở Hốc Môn, sinh năm 1949, hy sinh 6/1969 tại Bồ Tròn (Củ Chi); Nguyên là Y tá ngành Quân giới Khu Sài Gòn – Gia Định.

* Hiện vật được đồng chí Huỳnh Thị Song Thành – Nguyên Trưởng kho quân giới Sài Gòn – Gia Định gìn giữ và trao tặng.

5. Hiện vật « Tấm đắp (mền):

Tấm đắp (mền) của đồng chí Lê Văn Boi (quê ở Củ Chi) ; nguyên là chiến sĩ ngành quân giới Khu Sài Gòn – Gia Định, hy sinh khoảng năm 1968 – 1969.

* Hiện vật được đồng chí Huỳnh Thị Song Thành gìn giữ và trao tặng.

6. Hiện vật “Kỷ niệm chương”:

Kỷ niệm chương của đồng chí Trần Văn Bông (xã Bình Trưng) được Nhà nước tặng thưởng. 

* Hiện vật được đồng chí Huỳnh Thị Song Thành gìn giữ và trao tặng.

7. Hiện vật « Địa bàn » (La bàn):

Tháng 12 năm 1966, Sư đoàn bộ binh Mỹ (Anh Cả Đỏ) mở trận càn vào khu vực Rạch Ông Cày, Bà Láng thuộc vùng bưng 6 xã hòng tiêu diệt căn cứ cách mạng của ta. Lúc đó, ông Nguyễn Đình Chiến là chiến sĩ Tiểu đoàn 4 Thủ Đức, vinh dự được tham gia trận đánh chống càn. Tiểu đoàn 4 đã mưu trí, dũng cảm chặn đánh địch, tiêu diệt trên 60 tên Mỹ. Ông Chiến đã thu được chiến lợi phẩm là chiến địa bàn trong trận đánh này; tiếp tục sử dụng chiến địa bàn làm phương tiện phục vụ chiến đấu từ năm 1967 – 1982 (kể cả trong cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới Tây Nam).

* Chiếc địa bàn (La bàn) do ông Nguyễn Đình Chiến tự nguyện trao tặng.

8. Hiện vật « Túi đựng bông băng cá nhân »:

Chiếc túi đựng bông băng cá nhân của ông Nguyễn Đình Chiến được đơn vị cấp để sử dụng tự sơ cứu, băng bó vết thương cho bản thân và đồng đội trong chiến đấu. Năm 1972, ông Chiến là cán bộ Trung đội 1, Tiểu đoàn 4 Thủ Đức.

* Hiện vật do ông Nguyễn Đình Chiến trao tặng

9. Những hiện vật được bà Lê Thị Thủy (sinh năm 1937), nguyên là Cán bộ binh vận vùng bưng 6 xã làm trong thời gian bị địch bắt giam giữ ở nhà lao Gia Định (1972) :

Chân dung của bà Lê Thị Thủy

– Hiện vật « Tấm màn treo ở cửa buồng » (Cửa phòng).

– Hiện vật « Nắp đậy ấm trà »

– Hiện vật « Bao áo gối » Hình ảnh

Để ghi nhận và trân trọng sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, 

Nhằm thể hiện sự tri ân của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân địa phương đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Biên giới Tây Nam của Tổ quốc; Đền tưởng niệm Anh hùng, Liệt sĩ Bình Trưng đã được Đảng bộ, chính quyền địa phương xây dựng và khánh thành vào ngày 31/3/2009. Đền được xây dựng tại số 198 đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây, với diện tích đất 1.617m2 gồm một khối nhà bia và một khối nhà truyền thống, diện tích sàn 275m2. Đây là nơi tưởng niệm 162 anh hùng, liệt sĩ của quận 2 trước đây đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ và bảo vệ Biên giới Tây Nam. Đây như một lời nhắc thế hệ hôm nay tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Đồng thời, khẳng định nền độc lập, tự cường, tự chủ toàn diện của dân tộc ta. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng đi cùng với yêu cầu đặt ra là hội nhập mà không hòa tan.

Một số hình ảnh lãnh đạo thành phố Thủ Đức dâng hương ở Đền tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ Bình Trưng

Một số hình ảnh các đoàn đến dâng hương ở Đền tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ Bình Trưng