Ngày21/11, Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh phối hợp Công đoàn viên chức TP Hồ Chí Minh tổng kết hội thi sáng tạo Cải cách hành chính lần 2 – năm 2024.
Sau 5 tháng phát động, Ban tổ chức đã tiếp nhận 255 sản phẩm đăng ký tham gia, trong đó 193 tập thể, 62 cá nhân của 30 đơn vị sở, ban, ngành; UBND quận, huyện và TP Thủ Đức. Sau khi thẩm định, Ban tổ chức đã chọn ra 10 sản phẩm gồm: 5 tập thể, 5 cá nhân dự thi có chất lượng cao nhất vào vòng chung kết.
Kết thúc hội thi,UBND TP Thủ Đức vinh dự đạt giải Ba tập thể với mô hình hệ thống quản lý khu phố thông minh trên nền công nghệ số và bà Phạm Thị Hoàn, Trưởng Phòng Tư pháp TP Thủ Đức đạt giải Khuyến khích cá nhân.
Được biết, mô hình hệ thống quản lý khu phố thông minh trên nền công nghệ số Gis đã được TP Thủ Đức triển khai thí điểm tại 22 khu phố thuộc 5 phường với 15 nội dung chính:

Một là, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin. TP Thủ Đức đã tạo 22 tài khoản cho 22 khu phố thí điểm, cán bộ khu phố tiếp nhận thông tin và báo cáo thông tin với UBND phường thông qua hệ thống chính thức. Trước đây, hoạt động này chủ yếu thực hiện trực tiếp, qua điện thoại, qua nền tảng zalo.
Hai là, hệ thống thông tin GIS phường Phước Long A phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Hệ thống thực hiện được các chức năng quản lý thông tin: dân cư, nóc gia, thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự, biến động dân cư, thông tin an sinh xã hội; trong đó, ưu tiên dữ liệu quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, quản lý dân cư, y tế, giáo dục.
Ba là, thành lập, duy trì hoạt động nhóm trao đổi thông tin giữa người dân, khu phố, tổ dân phố, chung cư, cảnh sát khu vực, lãnh đạo phường, các cơ quan trực thuộc thành phố nhằm thông tin, trao đổi kịp thời quá trình xây dựng mô hình “khu phố thông minh”.
Bốn là, cài đặt, sử dụng ứng dụng “thành phố Thủ Đức”, mỗi hộ gia đình ít nhất 1 tài khoản ứng dụng. UBND, Tổ công nghệ số cộng đồng, Đoàn Thanh niên đi trực tiếp hướng dẫn từng hộ gia đình cài đặt ứng dụng “thành phố Thủ Đức”. Tính đến ngày 18/11/2024, có 73.444 tài khoản cài đặt ứng dụng “thành phố Thủ Đức”. Hiện nay, TP Thủ Đức đã hoàn thiện nâng cấp ứng dụng này phiên bản 2.0 năm 2024. Ứng dụng nâng cấp từ 16 chức năng lên 28 chức năng phân bổ thành6 nhóm dịch vụ chính; bổ sung các nội dung tương tác lớn như: liên quan lĩnh vực giáo dục, Bản đồ số TP Hồ Chí Minh tại TP Thủ Đức, đăng ký thi đua xây dựng đô thị văn minh và gia đình văn hóa, Thông báo khởi công… tạo sự chuyển biến tương tác với người dân trên toàn diện tất cả các lĩnh vực.
Năm là, chăm lo cho các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội. Qua hơn 6 tháng triển khai thí điểm, các phường đã giải quyết được 57 hồ sơ tại 22 khu phố.
Sáu là, hình thành 10 thiết bị wifi miễn phí “không dừng” tại 7 điểm sinh hoạt cộng đồng 5 phường; vận động 172 hộ kinh doanh dọc các tuyến đường lớn thay đổi mật khẩu thuductoiyeu chia sẻ miễn phí.
Bảy là, vận động hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn lắp đặt camera theo hướng dẫn đảm bảo khu phố quản lý được việc ra – vào, an ninh trật tự của cả khu phố.
Tám là, quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Thêm tiện ích liên kết với ứng dụng Grac để quản lý và thu tiền quản lý chất thải rắn sinh hoạt: Thông tin dữ liệu về chủ nguồn thải và các thông tin về phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn để vận hành thông suốt ứng dụng quản lý chất thải rắn sinh hoạt được cập nhật đầy đủ. Việc thanh toán phí thu gom rác trở nên đơn giản như thanh toán điện, nước
Chín là, quản lý môi trường. Cập nhật dữ liệu GIS về vị trí không gian và thuộc tính của các lớp dữ liệu cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp được cấp giấy phép môi trường; dữ liệu xử lý vi phạm hành chính; vị trí phát sinh rác; thùng rác công cộng; nhà vệ sinh công cộng; trạm trung chuyển rác… liên kết vào dữ liệu hệ thống thông tin TP Thủ Đức.
Mười là, lắp đặt hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời dọc các tuyến đường, hẻm chưa được phủ sáng điện Nhà nước và dân lập; lắp đặt đèn chiếu sáng thông minh. Hiện nay đã lắp đặt xong hệ thống chiếu sáng công cộng các khu phố, đảm bảo phủ sáng toàn bộ tuyến đường, hẻm; đã lắp đặt 3 thiết bị chiếu sáng năng lượng mặt trời.
Mười một là, triển khai giao ước đăng ký xây dựng đô thị văn minh thông qua ứng dụng “thành phố Thủ Đức” đến từng hộ gia đình. Đến nay, 34/34 phường triển khai thực hiện, có 7.355 hộ gia đình đăng ký tham gia.
Mười hai là, triển khai cấp chữ ký số miễn phí cho người dân. Tính đến nay, thành phố đã kích hoạt trên 2.500 chữ ký số cho người dân; dự kiến đến cuối năm 2024 cấp 6.000 chữ ký số.
Mười ba là, triển khai Thư viện số cộng đồng đến từng hộ gia đình trên địa bàn phường, với các tủ sách về pháp luật, thiếu nhi, khoa học thường thức, tủ sách về Bác…
Mười bốn là, số nhà có tọa độ trên nền GIS. Đến nay, đã chuẩn hóa và cập nhật lại 234.689số nhà, hiển thị tọa độ số nhà trên nền không gian địa lý (GIS) tại 31/34 phường, 3 phường còn lại đang xử lý số liệu để cập nhật trên phần mềm.
Mười lăm là, xây dựng bản đồ số Mẹ Việt Nam anh hùng. Việc này nhằm số hóa, lưu trữ và lan tỏa những hy sinh to lớn của Mẹ Việt Nam anh hùng dành cho Tổ quốc, đời đời ghi ơn các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu cho tự do của đất nước.
“Mô hình hệ thống quản lý khu phố thông minh trên nền công nghệ số” là mô hình khả thi, sát thực tế và phù hợp với mục tiêu phát triển của TP Thủ Đức, hướng tới xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số, phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước.
LH