Trong nhiều năm, các vụ cháy quán karaoke, vũ trường liên tiếp xảy ra và để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cả về tải sản và con người đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo về rủi ro hỏa hoạn đối với việc quản lý và đảm bảo an toàn đối với các cơ sở kinh doanh.
Nguyên nhân cháy, nổ:
Thiết kế cách âm nên không gian trong và ngoài phòng hát rất kín, điều này khiến người bên ngoài phòng hát khó nhận biết đám cháy trong phòng hát và người bên trong phòng cũng không định hình được những mối nguy hại cháy nổ bên ngoài.
Thiết kế phòng hát còn theo lối tiết kiệm tối đa diện tích của chỗ để thiết bị âm thanh, bàn ghế… nên cũng gây hạn chế trong việc di chuyển của người thoát nạn mỗi khi gặp sự cố.
Nội thất phòng hát gồm: thiết bị âm thanh, bàn ghế, quạt, điều hòa …là những thiết bị có nguy cơ cháy nổ rất cao.
Trong nhiều trường hợp, sự bất cẩn của con người là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến các vụ cháy, nổ.
Biện pháp để phòng tránh:
Nâng cao ý thức của bản thân và người khác từ cái nhỏ nhất như: vứt tàn thuốc bừa bãi cũng có thể bắt lửa như các thảm chân, ghế bàn sofa ở quán karaoke.
Phải có thiết kế đường điện riêng cho các phòng karaoke để tránh gây quá tải nguồn điện làm chập cháy thiết bị điện.
Sử dụng các loại mút cách âm cách nhiệt, chống cháy.
Cần thay thế các nội thất, một bộ ghế sofa chịu nhiệt sẽ giảm thiểu được nguy cơ cháy nổ rất cao; những thiết bị âm thanh chất lượng dù làm việc hết công suất cũng không gây trục trặc, cháy nổ.
Trong một phòng hát có các thiết bị cảnh báo cháy nổ hoặc bình chữa cháy, bình dưỡng khí chắc chắn sẽ giảm thiểu thương vong tối đa, giảm thiểu thiệt hại kinh tế rất nhiều.
- Đối với các quán karaoke muốn tu sửa, nâng cấp, gắn biển quảng cáo, hay xây dựng, … cần phải đáp ứng các yếu tố sau:
Khi sửa chữa phải báo cho cơ quan Cảnh sát PCCC biết để được hướng dẫn các biện pháp an toàn về PCCC.
Tuân thủ chấp hành các biện pháp PCCC của chính quyền địa phương.
Bố trí các bình chữa cháy gần nơi sửa chữa phòng khi cần.
Sử dụng các loại vải bạt chống cháy phủ lên các loại vật liệu dễ cháy như gỗ, mút xốp, giấy, …
Sử dụng các vách chống cháy ngăn cách khu vực sửa chữa phòng cháy lan ra khu vực khác khi có hỏa hoạn.
Đôn đốc, nhắc nhở thợ hàn xì, cắt phải cẩn thận tránh xảy ra tai nạn cháy, nổ.
Khi có hỏa hoạn xảy ra cần phải:
Sử dụng bình chữa cháy khống chế ngọn lửa hoặc triển khai họng nước chữa cháy vách tường để chữa cháy (nếu có).
Bấm chuông báo động, báo cháy.
Cúp các nguồn điện nơi xảy ra cháy nổ.
Nếu đám cháy quá lớn phải thoát nạn lập tức: đi cúi thấp tránh hít phải khói làm ngạt hoặc sử dụng áo, khăn thấm nước bịt kín mũi tránh gây khó thở và ngất xỉu khi ngạt khói.
Gọi 114 cho đội chữa cháy chuyên nghiệp.
Những lưu ý đặc biệt để thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn:
Đối với người dân khi tham gia vui chơi, giải trí tại các cơ sở kinh doanh karaoke: tìm hiểu để trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về PCCC và kỹ năng xử lý, thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra…
Khi đến các nơi vui chơi, giải trí cần chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; không mang chất cháy, chất nổ đến những nơi này…
Trước khi đến các hoạt động vui chơi cần quan sát kỹ các lối thoát nạn đề phòng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra thì xử lý kịp thời và an toàn cho chính bản thân mình.
Khi phát hiện cháy hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho mọi người biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính, qua cầu thang thoát hiểm.
Trong quá trình thoát hiểm ở vùng có nhiều khói, hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn.
Trường hợp lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác: qua ban công, cửa sổ, sân thượng sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống mặt đất bằng thang, thang dây…; tuyệt đối không núp trong phòng, trong nhà vệ sinh…
Trường hợp không còn lối thoát nào khác hãy dùng áo, quần thấm ướt, trùm lên đầu và người cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể.
Công an TP Thủ Đức