Ngay sau khi thành lập TP Thủ Đức, UBND TP Thủ Đức đã nỗ lực sắp xếp, tổ chức bộ máy đi vào hoạt động nhanh chóng, ổn định; duy trì các hoạt động thường xuyên, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. TP Thủ Đức đã chủ động rà soát và nghiên cứu các quy định để đề xuất các nội dung phân cấp, ủy quyền từ TP.HCM cũng như các vấn đề cần đề xuất Trung ương có những điều chỉnh, chỉ đạo để triển khai phù hợp với điều kiện phát triển của TP Thủ Đức; tham mưu đề xuất Thành ủy TP.HCM dự thảo Nghị quyết phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Thủ Đức giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tổ chức rà soát và xây dựng đề án thí điểm khai thác quỹ đất để đầu tư phát triển hạ tầng và tạo quỹ đất mới trên địa bàn TP Thủ Đức giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm huy động các nguồn lực tài chính và đất đai để tập trung phát triển kinh tế – xã hội TP Thủ Đức theo tinh thần Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 26/4/2021 của UBND TP.HCM.
Theo đó, TP Thủ Đức đã mạnh dạn xây dựng đề án, đề xuất thí điểm thành lập 4 đơn vị trung tâm mới trực thuộc TP Thủ Đức:
1. Thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thủ Đức trực thuộc UBND TP Thủ Đức, là đơn vị sự nghiệp công lập, do TP Thủ Đức có nhiều dư địa đất đai, nhiều vị trí để thực hiện việc tạo quỹ đất mới quy hoạch, góp phần tạo nguồn lực tài chính để đầu tư, phát triển TP. Chức năng hiện tại của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức không đáp ứng được các nhu cầu triển khai thực hiện.
2. Thành lập Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị TP Thủ Đức, Trung tâm sẽ đại diện UBND TP Thủ Đức tổ chức quản lý, vận hành, bảo trì toàn bộ hệ thống thoát nước, kiểm soát triều, hệ thống thu gom và xử lý nước thải; khai thác, vận hành, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy (không bao gồm hệ thống liên vùng, liên quận) thực hiện khai thác, duy tu, bảo trì các công trình về chiếu sáng đô thị, công viên, cây xanh đô thị, quản lý dịch vụ thu gom, vận chuyển rác, chất thải, cung cấp dịch vụ liên quan đến hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị trên địa bàn, tạo sự đồng bộ trong quản lý. Hiện nay, công tác này do nhiều đơn vị quản lý nên thiếu sự đồng bộ.
3. Thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, xúc tiến đầu tư và phát triển khoa học – công nghệ TP Thủ Đức dựa trên 03 trụ cột chính: Phát triển khoa học – công nghệ; khai thác ứng dụng kết quả nghiên cứu, các thành tựu khoa học công nghệ phục vụ quản trị nhà nước; hình thành nền tảng của chính quyền số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Thu hút đầu tư nhờ tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi kết hợp đồng bộ hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư đa dạng, sáng tạo với hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực. Hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển đô thị sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất – kinh doanh – thương mại; đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế.
4. Thành lập Trung tâm Công tác xã hội TP Thủ Đức là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thực hiện việc trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và các đối tượng yếu thế khác ở cộng đồng, người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí, người nhiễm HIV/AIDS, người nghèo, trẻ em, nạn nhân của phân biệt đối xử về giới; người nghiện ma túy, người bán dâm; người sau cai nghiện; cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp, các đối tượng khác có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội.
LT (ghi)