Phỏng vấn đồng chí Hoàng Tùng,
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức
Ngày 23/9/2022, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 3229/QĐ-UBND và Quyết định số 3230/QĐ-UBND về ủy quyền cho UBND TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, UBND TP Thủ Đức được ủy quyền trên 4 lĩnh vực: Xây dựng – Môi trường – Đô thị; Kinh tế – Ngân sách – Dự án; Tư pháp; Văn hóa – Giáo dục – Thông tin – Xã hội – Khoa học.
Tại Quyết định số 3230/QĐ-UBND, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức được Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn trên các lĩnh vực: Đối ngoại; Nội vụ; Văn hóa – Thông tin – Xã hội – Khoa học. Việc ủy quyền có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024. Chính vì vậy, ngay từ khi tiếp nhận sự ủy quyền của UBND TP Hồ Chí Minh, UBND TP Thủ Đức đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai với lộ trình cụ thể cùng sự giúp sức của hệ thống chính trị và người dân để TP Thủ Đức – TP trực thuộc TP là mô hình thật sự có hiệu quả chứ không phải là mô hình thí điểm.
Đồng chí Hoàng Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức đã có những chia sẻ trước thềm năm mới 2023 về công tác lãnh đạo thực hiện sự ủy quyền của TP Hồ Chí Minh đối với TP Thủ Đức; phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và định hướng phát triển trong năm 2023.
- Thưa đồng chí Hoàng Tùng, vấn đề thể chế hóa kế hoạch phân công, xây dựng quy trình thực hiện được UBND TP Thủ Đức xây dựng như thế nào nhằm thực hiện có hiệu quả sự ủy quyền của UBND TP Hồ Chí Minh?
Việc phân cấp, ủy quyền của TP Hồ Chí Minh là nguyên tắc trong quản lý hành chính Nhà nước nhằm phát huy vai trò, vị trí cho TP Thủ Đức. Theo đó, UBND TP Thủ Đức đã ban hành Kế hoạch số 498/KH-UBND ngày 23/11/2022 về triển khai thực hiện các nội dung phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho UBND, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức.
Ngày 14/12/2022, UBND TP trình HĐND TP Thủ Đức ban hành Nghị quyết thông qua việc triển khai thực hiện các nội dung ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho UBND, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức. Sau khi Nghị quyết được ban hành, UBND TP Thủ Đức sẽ thể chế hóa kế hoạch phân công, tổ chức bộ máy, thẩm quyền bằng các quyết định về bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn. Trong đó, phân công cụ thể các nội dung được ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn và Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn. Đồng thời, giao các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát, điều chỉnh Quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị cho phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật tạo điều kiện thực hiện các nội dung ủy quyền một cách tốt nhất.
- Nhân sự là một trong những chìa khóa then chốt và cũng vấn đề trăn trở của TP Thủ Đức sau khi thành lập. Theo quy định được Quốc hội duyệt, biên chế TP Thủ Đức phải giảm xuống 459 người trong năm 2022. Hiện nay với sự ủy quyền của UBND TP Hồ Chí Minh, UBND TP Thủ Đức đã phân công, phân nhiệm cụ thể, bổ sung chức năng nhiệm vụ cho các phòng, ban. Đồng chí cho biết bài toán nhân sự và “giao thêm việc” được UBND TP Thủ Đức chủ trương giải quyết như thế nào?
Tại thời điểm sáp nhập 3 quận vào tháng 01/2021, TP Thủ Đức có 631 cán bộ, công chức và người lao động có mặt, làm việc tại các cơ quan chuyên môn. Theo nội dung tại điểm c, khoản 2, mục IV, phần thứ 4 Đề án số 591/ĐA-CP ngày 11/11/2020 của Chính phủ thì “biên chế và hợp đồng lao động sau năm 2022 của UBND TP Thủ Đức là 459 người”. Với số lượng nhân sự này sẽ không thể đáp ứng được nguồn nhân lực tham mưu, giúp việc của các cơ quan, đơn vị trong điều kiện của địa bàn quản lý quá lớn, đông dân và trách nhiệm được giao nhiều hơn sau các quyết định phân cấp, ủy quyền của TP Hồ Chí Minh.
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà TP đã phân cấp, ủy quyền cũng như đáp ứng được các mục tiêu kỳ vọng cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn sâu sát của Sở, ngành cấp trên và sự nỗ lực của từng cán bộ, công chức và người lao động trong hệ thống chính trị. Thời gian tới, UBND TP Thủ Đức tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý trong công tác tổ chức cán bộ; xây dựng Đề án vị trí việc làm trong đó xác định biên chế gắn với vị trí cụ thể, tiêu chuẩn chức danh; sắp xếp các cơ quan chuyên môn phù hợp với tính chất đặc thù và nhiệm vụ cấp trên giao, tránh trùng lắp nhiệm vụ và quyền hạn.
Song song đó, tập trung hoàn thiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao theo Kết luận số 86-KL/TW năm 2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ về thu hút sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ; bổ sung hoàn thiện cơ chế tuyển dụng, sử dụng đánh giá và đề bạt cán bộ, công chức phải thực sự khách quan, minh bạch, dân chủ; thực hiện nghiêm các chính sách trong thi tuyển chức danh công chức, lãnh đạo, quản lý; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ hàng năm; làm tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Ngoài ra, TP Thủ Đức sẽ đề xuất Trung ương và cấp trên quan tâm đến chính sách đãi ngộ đặc thù cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại TP Thủ Đức như: nhân hệ số lương, phụ cấp ưu đãi, thưởng… để phù hợp với quy mô, tính chất công việc cũng như đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và tái sản xuất sức lao động; xây dựng môi trường làm việc thân thiện, lành mạnh, năng động, tôn trọng và đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Được biết đồng chí Võ Văn Hoan, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu đến 3/2023, TP Thủ Đức phải ban hành xong 30 đề án đã đề ra. Đồng chí có thể thông tin tiến độ ban hành hiện đạt bao nhiêu % trong khi thời gian không còn nhiều?
Danh mục các chương trình, đề án kèm theo Quyết định số 1870/QĐ-UBND gồm 33 đề án, chương trình, trong đó: 17 đề án, chương trình do UBND TP Thủ Đức chủ trì tham mưu và triển khai thực hiện; còn lại 16 đề án, chương trình do các Sở ngành TP và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm chủ trì tham mưu, thực hiện.
Trước đó, ngày 21/3/2022, BTV Thành ủy Thủ Đức đã ban hành Kế hoạch 108-KH/TU nhằm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 31/12/2021 của BTV Thành ủy TP Hồ Chí Minh; trong đó có 47 chương trình, kế hoạch, đề án thuộc thẩm quyền tham mưu của UBND TP Thủ Đức. Tính đến ngày 25/11/2022, đã có 11 chương trình, đề án đã ký ban hành; 36 chương trình, kế hoạch còn lại đang tiếp tục tham mưu thực hiện.
Đối với Quyết định số 1870/QĐ-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh, qua một thời gian triển khai, hiện UBND TP Thủ Đức đang tham mưu trình UBND TP Hồ Chí Minh 21 đề án, chương trình và phối hợp Sở, ngành TP tham mưu các đề án, chương trình còn lại. Trong 21 đề án, chương trình tham mưu trình UBND TP Hồ Chí Minh, có 11 chương trình, đề án trùng với danh mục theo Kế hoạch 108-KH/TU và 10 đề án, chương trình mới phải tham mưu.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, tổng số đề án, chương trình, kế hoạch UBND TP Thủ Đức đang xây dựng là 46. Kết quả tham mưu đối với 21 chương trình, đề án theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh cụ thể như sau:
1. Có 12 chương trình, đề án UBND TP Thủ Đức đã hoàn thành các nội dung tham mưu thuộc thẩm quyền.
2. Có 09 chương trình, kế hoạch, đề án UBND TP Thủ Đức tiếp tục tham mưu, xây dựng. Dự kiến trước ngày 31/12/2022 sẽ hoàn thành các nội dung tham mưu thuộc thẩm quyền.
- Đồng chí xác định đâu là lĩnh vực trọng tâm (trong số 4 lĩnh vực được UBND TP Hồ Chí Minh ủy quyền cho UBND TP Thủ Đức) sẽ thực hiện trong năm 2023?
Trong các lĩnh vực ủy quyền, UBND TP Thủ Đức xác định lĩnh vực trọng tâm là: công tác quy hoạch, quản lý và phát triển hạ tầng đô thị.
Theo đó, tập trung tổ chức thực hiện lập quy hoạch chung TP Thủ Đức căn cứ theo nhiệm vụ quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1538/QĐ-TTg về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh đến năm 2040 theo định hướng TP Thủ Đức là đô thị loại 1 trực thuộc TP Hồ Chí Minh phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao, đóng vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học – công nghệ và hợp tác phát triển, là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số của TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bên cạnh đó, tổ chức rà soát tổng thể các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn TP Thủ Đức, thu hồi và kiến nghị thu hồi theo thẩm quyền đối với những dự án không có khả năng triển khai thực hiện, những dự án quá thời hạn triển khai đầu tư, hoặc nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính, kinh nghiệm, không tích cực phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện các thủ tục xây dựng, đất đai, môi trường để triển khai dự án theo quy định, để tổ chức mời gọi đầu tư. Xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí thiết kế hạ tầng kỹ thuật thông minh, hiện đại, thiết kế công trình đô thị thân thiện môi trường trong Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.
- Đồng chí nhận định như thế nào về những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện sự ủy quyền của UBND TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh theo Quyết định số 3229/QĐ-UBND và Quyết định số 3230/QĐ-UBND?
Nhiệm vụ nào cũng đều tồn tại hai mặt. Trước tiên, việc thực hiện sự ủy quyền theo Quyết định số 3229/QĐ-UBND và Quyết định số 3230/QĐ-UBND có được những thuận lợi nhất định. Cụ thể: được sự lãnh đạo toàn diện của Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh, sự phối hợp của các sở, ngành, TP Thủ Đức nhận được sự hướng dẫn cụ thể và bài bản trong việc xây dựng các quy trình, tháo gỡ các nút thắt và đưa chính sách đi vào cuộc sống.
Với nguyên tắc việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện. Việc ban hành các quyết định ủy quyền của UBND TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh theo Quyết định số 3229/QĐ-UBND và Quyết định số 3230/QĐ-UBND đã tạo ra cơ chế chủ động trong thực hiện các công việc liên quan đến các lĩnh vực Xây dựng – Môi trường – Đô thị; Kinh tế – Ngân sách – Dự án; Tư pháp; Văn hóa – Giáo dục – Thông tin – Xã hội – Khoa học trên địa bàn TP Thủ Đức.

Giao thông công cộng khối lượng lớn và kết nối liên vùng được TP Thủ Đức chú trọng (Bản đồ Quy hoạch TP Thủ Đức)
Cũng cần phải nói thêm, việc phân cấp, ủy quyền giữa TP Hồ Chí Minh và TP Thủ Đức sẽ tạo ra các quyết sách phù hợp, gần gũi, sâu sát với người dân TP và tình hình thực tế tại địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trên địa bàn TP nói riêng và TP Hồ Chí Minh nói chung nhằm phục vụ Nhân dân tốt hơn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương chủ động trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền theo quy định, tăng cường trách nhiệm, tính chủ động trong công tác quản lý, giảm khâu trung gian trong quá trình tham mưu thực hiện hồ sơ thủ tục hành chính, tạo sự chủ động cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền cấp cơ sở, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho Nhân dân, giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân; tạo sự gắn bó, gần gũi giữa cán bộ và Nhân dân trên địa bàn, tăng sự hài lòng và niềm tin của người dân đối với chính quyền địa phương.
Bên cạnh những thuận lợi cũng tồn tại một số khó khăn do việc triển khai các nội dung ủy quyền của TP Hồ Chí Minh cho TP Thủ Đức là vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Chính vì vậy, cần tiến hành nghiên cứu kỹ để đảm bảo quy trình và thẩm quyền. Do đó, quá trình triển khai sẽ mất nhiều thời gian, công sức để vừa làm và vừa hoàn thiện mà vẫn đảm bảo tiến độ công việc đề ra.
Vấn đề nhân sự cũng là một trong những khó khăn của TP Thủ Đức. Với số lượng nhân sự bắt buộc phải giảm nhiều theo Đề án của Chính phủ có thể sẽ không đáp ứng được nguồn nhân lực tham mưu, giúp việc của các cơ quan, đơn vị trong điều kiện của địa bàn quản lý quá lớn, đông dân và trách nhiệm được giao nhiều hơn sau khi phân cấp, ủy quyền. Công tác kiểm tra, giám sát vẫn chủ yếu theo các quy định pháp luật chung, chưa có các hướng dẫn hoặc quy định đặc thù cho cơ chế phân cấp, ủy quyền.
Tuy vậy, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, TP Thủ Đức sẽ hoàn thành đúng tiến độ và xứng đáng với những kỳ vọng cũng như sự tín nhiệm, sự ủy quyền của UBND TP Hồ Chí Minh dành cho UBND TP Thủ Đức.
Chân thành cám ơn đồng chí Hoàng Tùng đã dành thời gian chia sẻ cùng độc giả Bản tin TP Thủ Đức!
Thanh Nhàn