Bệnh cúm A (H5N1) ở người là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút cúm A (H5N1) gây ra.
Bệnh lây từ gia cầm sang người thông qua:
+ Ăn gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh.
+ Tiếp xúc trực tiếp với đồ dùng, vật dụng bị dính phân gia cầm nhiễm vi rút.
+ Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến.
+ Đường hô hấp: Hít phải không khí chứa dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc chứa bụi từ phân gia cầm.

Trước nguy cơ xâm nhập của cúm gia cầm A (H5N1) và các cúm gia cầm khác; nhằm chủ động ngăn chặn vi rút cúm gia cầm A (H5N1) và các chủng vi rút cúm gia cầm khác trên địa bàn, hệ thống chính trị TP Thủ Đức cần tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh cúm A (H5N1), cụ thể như sau:
– Phổ biến tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người chăn nuôi hiểu rõ về những tác hại của dịch bệnh; tuân thủ các quy định về tiêm phòng, khai báo kiểm dịch, tiêu độc, sát trùng chuồng trại; thông tin sâu rộng đến người dân về nguy cơ, tác hại của bệnh cúm gia cầm; vận động người dân chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm theo quy định, trong đó tập trung tại các khu dân cư, các điểm kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm.
– Quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn, hướng dẫn người chăn nuôi kê khai hoạt động chăn nuôi, thực hiện tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm bắt buộc, giám sát dịch bệnh định kỳ, tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh.
– Chủ động kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm; tuyên truyền vận động người kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch.
– Tập trung xử lý nghiêm các trường hợp chăn nuôi, vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y.
Đối với người dân:
– Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi để phòng bệnh; thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại khu vực, chuồng trại chăn nuôi gia cầm.
– Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng. Thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
– Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
– Đảm bảo ăn chín, uống sôi. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm bệnh, chết và không rõ nguồn gốc.
– Khi có biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức