“Ngộ độc thực phẩm” hay còn gọi là ngộ độc thức ăn hoặc trúng thực, là tình trạng người bệnh bị trúng độc, ngộ độc do ăn uống phải những thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc các loại thực phẩm bị biến chất, ôi thiu, vượt quá liều lượng cho phép các chất bảo quản, chất phụ gia,… “Thức ăn đường phố” là thực phẩm được chế biến dùng để ăn, uống ngay, trong thực tế được thực hiện thông qua hình thức bán rong, bày bán trên đường phố, nơi công cộng hoặc những nơi tương tự.
Trong năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, trong đó có 18 người tử vong. Riêng địa bàn TP Thủ Đức ghi nhận xảy ra 01 vụ ngộ độc với 08 người mắc trong đó có 02 người đã tử vong. Tùy vào loại nguyên nhân gây độc mà triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sớm sau vài giờ hoặc muộn trong một vài ngày. Hầu hết các triệu chứng thường bắt đầu từ đường tiêu hóa, như: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại… xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí một ngày sau khi ăn. Trường hợp nặng, người bệnh có thể có biểu hiện bệnh phức tạp, không chỉ ở đường tiêu hóa, mà ở các cơ quan khác, như: thần kinh, tim mạch, hô hấp. Nếu ngộ độc ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể khỏe lại sau vài ngày; trong trường hợp nặng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Tại Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia trong khu vực, thức ăn đường phố (TAÐP) rất được ưa chuộng bởi sự thuận tiện, giá cả hợp lý… Kinh doanh TAÐP là một loại kinh doanh thực phẩm chín, việc chế biến, lưu thông chủ yếu ở dạng hàng rong được bày bán trên các tuyến phố nội thành, các điểm thường tập trung đông người như: bến xe; nhà ga; các khu du lịch; các dịp lễ hội. Các sản phẩm TAÐP thường đa dạng về chủng loại như: bún, phở, cơm, nước giải khát, bánh kẹo, hoa quả. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc kinh doanh dịch vụ ăn uống và TAÐP còn bộc lộ không ít nguy cơ gây ô nhiễm, ngộ độc
thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, việc bày bán vẫn chủ yếu là trên các tuyến phố, lòng, lề đường, hàng rong đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự và mỹ quan đô thị.
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm từ TAÐP là rất lớn, dù trong thời gian qua các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác truyền thông, thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Nhằm từng bước giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ TAÐP, bên cạnh việc ban hành, thực thi các văn bản quy phạm pháp luật cần phải có sự tham gia tích cực hơn nữa của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, nhất là toàn thể cộng đồng.
Hiện nay trên địa bàn TP Thủ Đức loại hình kinh doanh TAÐP rất nhiều và đa dạng. Sau dịch bệnh, việc kinh doanh, mua bán ngày càng khó khăn nên người dân đã chuyển sang lựa chọn loại hình kinh doanh đơn giản như TAÐP để mưu sinh. Tuy nhiên điều này cũng dẫn đến những khó khăn trong quá trình quản lý. Với địa bàn rộng lớn, mật độ dân số cao, các khu công nghiệp, khu dân cư và các trường học tập trung trên địa bàn rất nhiều, đây cũng là điều kiện để các hộ kinh doanh thức ăn đường phố phát triển với đa dạng sản phẩm, hình thức phục vụ. Qua kiểm tra, cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm của TP Thủ Đức thường xuyên ghi nhận các vi phạm về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố như: sử dụng nguyên liệu không có nguồn gốc, nơi chế biến không đảm bảo vệ sinh, không tuân thủ các điều kiện chế biến, bảo quản thực phẩm… Đây là những vi phạm rất nguy hiểm, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như gây ra ngộ độc thực phẩm.
UBND TP Thủ Đức khuyến cáo người dân, người tiêu dùng nên cẩn trọng trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm từ các địa điểm kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn, đặc biệt là xung quanh trường học, các khu dân cư, khu công nghiệp. Đối với các cơ sở, địa điểm kinh doanh thức ăn đường phố cần đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Sử dụng nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, sử dụng sổ ghi chép nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, trang bị bảo hộ lao động, găng
tay, tạp dề, khẩu trang…khi chế biến thực phẩm, bảo quản thực phẩm đúng cách, không để côn trùng, động vật gây hại xâm nhập thực phẩm đã qua chế biến. Hạn chế không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm khi sử dụng thức ăn đường phố. Liên hệ đến các cơ quan chức năng, cơ sở y tế gần nhất nếu có thông tin về những trường hợp bị ngộ độc thực phẩm để được xử lý kịp thời.
Ban An toàn thực phẩm TP Thủ Đức