Nguyễn Thị Châu – Một cựu nữ tù chính trị, đã viết bốn câu thơ lên vách xà lim trong nhà tù của bọn Mỹ ngụy để nói về cuộc đời hoạt động cách mạng của bản thân chị khi bị giặc bắt giam, tra tấn, tù đày. Đây cũng là khí thế, là bầu nhiệt huyết sôi nổi, tinh thần yêu nước hừng hực của thế hệ trẻ nước ta lúc bấy giờ:
“Áo trắng em chưa vướng bụi đời
Chưa từng mơ tưởng chuyện xa xôi
Nhưng nay gặp cảnh đời chua xót
Áo trắng này nguyện trắng mãi thôi”
Nhân kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930-20/10/2022), xin giới thiệu về tấm gương “Nữ anh hùng liệt sĩ Đặng Thị Rành”, một người con của quê hương Thủ Đức.
Chị Đặng Thị Rành sinh năm 1953, tại ấp Diều Gà, xã Hiệp Bình (nay thuộc khu phố 2, phường Hiệp Bình Phước). Năm 14 tuổi, chị bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, làm nhiệm vụ trinh sát, liên lạc cho Tiểu đoàn 3 – Bắc Thủ Đức: có gần 50 lần len lỏi vào vùng địch kiểm soát nhằm nắm tình hình và việc điều động quân của chúng để báo cáo kịp thời cho cấp trên; 22 lần mưu trí, dũng cảm dẫn đường cho cán bộ, bộ đội ta vượt qua các chốt kiểm soát của địch một cách an toàn; nhiều lần bí mật chuyển thư từ hỏa tốc đến các đơn vị. Mỗi khi có cán bộ, chiến sĩ ta về bám trụ tại xã Hiệp Bình; chị lại cùng bà con trong ấp lo cơm nước, tiếp tế… Sự lanh lợi, gan dạ dũng cảm và tính hồn nhiên, vui vẻ của “Bé Bảy” (tên gọi thân mật của chị) đã làm cho cán bộ, chiến sĩ và bà con ngày càng thêm tin yêu người nữ chiến sĩ trinh sát, giao liên nhỏ bé này.
Ngày 15/01/1968, do bị một kẻ phản bội cách mạng khai báo, nên bọn địch ở Chi khu Thủ Đức đã bất ngờ bao vây nhà chị. Bác Mười Thiệt (cha của chị) nhanh mắt phát hiện bọn giặc, vội chụp lấy cây rựa bén ngót, nhảy vọt ra sân nhưng liền bị bọn địch quật ngã, trói lại, bịt mắt. Lúc đó, Rành đang lên cơn sốt ở nhà do nhiều ngày qua đi công tác liên tiếp bị cảm lạnh. Khi lũ giặc xộc vào nhà, Rành gượng hết sức lao ra, trực tiếp mặt đối mặt với kẻ thù, bình thản nói: “Rành đây! Cha tôi đi làm vườn, tại sao các người bắt? Tôi đây, bắt đi!”. Đám lính xông vào giật tóc Rành, ghì xuống, còng tay, bịt mắt chị rồi đẩy cả hai cha con chị lên xe đưa đi. Trước lúc xe chạy, chị vẫn còn kịp đưa đôi tay bị còng lên giật phăng miếng vải bịt mắt, quay lại nhìn mái nhà thân yêu, nơi bàn thờ mẹ chị nhang khói vẫn còn nghi ngút bước sang ngày thứ 23. Đây cũng là lần cuối cùng chị vĩnh viễn rời xa tổ ấm thân thương của mình.
Hôm đó, bọn giặc đưa hai cha con chị về giao cho bọn An ninh Thủ Đức để đẩy đến bót Hàng Keo – nơi nổi tiếng với những trận đòn tra tấn dã man nhất; rồi chúng lại đưa chị về Trại giam Thủ Đức; sau cùng là Trại biệt giam An ninh Thủ Đức. Ở đâu chị cũng phải chịu đựng những cực hình tra tấn hết sức dã man, tàn độc của quân thù: bị chích điện, “đi tàu bay, tàu ngầm”, bị dùng dùi sắt nung đỏ đâm vào bắp chân, bỏ vào thùng phuy đầy nước rồi dùng búa nện xung quanh thùng gây sức ép tức ngực đến nghẹt thở… Kẻ thù hy vọng mong manh cô bé 15 tuổi này sẽ có giây phút yếu mềm… Nhưng cuối cùng chúng đã phải gọi chị bằng biệt danh “Con Việt cộng con ngoan cố” vì thất bại hoàn toàn.
Trong hai lần ở nhà lao Gia Định là cũng bấy lần địch đưa chị Đặng Thị Rành ra tòa án quân sự. Nhưng lần nào cũng vậy, chị vẫn trong tư thế hiên ngang, giữ tròn khí tiết của một người chiến sĩ Cộng sản để đối đáp với chúng: “Tôi có tội gì? Chứng cứ cụ thể đâu?…” Rốt cuộc, cả hai phiên tòa đành phải thất bại vì không xử được “Con nhỏ chưa đủ tuổi thành niên”. Nhục nhã và bất lực, địch tống chị vào Trại biệt giam của Trung tâm cải huấn Thủ Đức (nay là Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 2 trên đường Đặng Văn Bi, phường Trường Thọ). Trong trại biệt giam của địch, Đặng Thị Rành được chị em bạn tù lớn tuổi động viên, chăm sóc nên chị càng kiên định tư tưởng “chết vinh hơn sống nhục”: Tuyệt đối không chào cờ ba que của địch, không học “cải huấn”, bất tuân nội qui nhà tù…. Và còn được chị em trong tù dạy hát nhiều bài ca cách mạng.
Ngày 03/02/1969, các đảng viên bị giam chung Đặng Thị Rành đã nhất trí sẽ kết nạp một nữ chiến sĩ Cộng sản mới chỉ vừa 16 tuổi vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tiếc rằng, buổi lễ kết nạp Đảng ấy chưa kịp tổ chức thì ngày 15/8/1969, địch bắt hơn một chục nữ tù ở Trại biệt giam này đưa đến tòa án quân sự của chúng ở Bạch Đằng để xét xử. Tại phiên tòa, trước đông đảo mọi người, chị em đã chống lại các nghi thức, thủ tục của địch: Không đứng lên khi bọn quan tòa đến, gây ồn ào, không chào cờ ba que… nên các chị đã bị bọn quân cảnh đàn áp dã man tại chỗ. Cuối cùng, địch lại phải hoãn phiên tòa, đưa chị em đi giam ở một nơi khác. Ở Trại biệt giam Thủ Đức, chờ mãi đến tối mà vẫn không thấy chị em được đưa trở về nên chị Rành và các chị em khác đã đấu tranh mạnh, tuyên bố tuyệt thực. Hôm sau, dù các chị bị đưa đi đã được trả về Trại biệt giam, nhưng toàn Trại vẫn kiên quyết tuyệt thực để phản đối cách đối xử vô nhân đạo của bọn địch đối với nữ tù nhân.
Để trấn áp cuộc đấu tranh của các nữ tù chính trị, tên đại tá Dương Ngọc Minh – Giám đốc Trung tâm cải huấn Thủ Đức đã ra lệnh cho bọn ác ôn đúng 12 giờ đêm 22/8/1969 hành động; mục tiêu chủ yếu là chị Đặng Thị Rành. Nửa đêm, lũ ác ôn xông vào đánh đập túi bụi, chúng cố lôi chị Rành đi. Các chị em cùng phòng nhào đến nắm tay Rành kéo lại; chúng quay sang nắm chân chị, điên cuồng đánh túi bụi lên đầu, lên cổ chị. Mặc dù tuyệt thực suốt 07 ngày qua, sức lực đã cạn kiệt lại phải chịu thêm những trận mưa đòn tra tấn dã man của kẻ thù, chị Đặng Thị Rành vẫn dồn hết sức thét lên lần cuối: “Quân dã man! Tụi bây rồi sẽ thất bại!”.
Bọn giặc đã đánh chị Rành chết trong lúc hai nữ đảng viên Tần và Đào cùng chị em trong Trại biệt giam gào thét, báo động cho chị em ở tất cả các trại giam khác. Bọn giặc mạnh tay nện dùi cui, đấm, đá, đạp túi bụi vào chị em nữ tù để cố giằng xác chị Rành lôi đi. Các chị thì cố hết sức để giữ đồng đội mình lại. Chị Tần nhào tới, lũ ác ôn đánh chết chị tại chỗ; Chị Đào đang cùng các chị em khác tiếp tục báo tin thủ đoạn trả thù hèn hạ của địch thì bị đánh ngất xỉu, gục ngã giữa vòng tay của các bạn tù và trút hơi thở cuối cùng. Sau khi cướp được thi hài của cả ba chị: Rành, Tần, Đào; bọn giặc đã đưa đi vùi lấp ở một nơi khác.
Đến sáng ngày 23/8/1969, bầu không khí tang tóc, đau thương và căm hờn bao trùm; tất cả các trại giam trong Trung tâm cải huấn Thủ Đức đều lập bàn thờ Tổ quốc, đeo băng tang đen làm lễ truy điệu ba nữ chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất đã anh dũng hy sinh và sau này trao những kỷ vật của người đồng đội trẻ tuổi cho gia đình chị, trong đó có một lọn tóc đen tuyền của Rành.
Ngay khi đất nước thống nhất, chính quyền Thủ Đức nhiều lần cùng gia đình và những người bạn tù của chị tổ chức tìm kiếm mộ phần của liệt sĩ Đặng Thị Rành. Đến sau này, nhờ có sự chỉ dẫn nhiệt tình của Nhân dân, chính quyền địa phương và gia đình đã tìm được ngôi mộ tập thể của ba người nữ chiến sĩ Cộng sản: Đặng Thị Rành, Tần, Đào nên đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu để đưa các chị về an nghỉ cuối cùng nơi lòng đất mẹ tại Nghĩa trang liệt sĩ Thủ Đức. Đến ngày 11/6/1999, Nhà nước ta đã truy tặng chị danh hiệu cao quí “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ Đức cũng mãi ơn chị! Tên Đặng Thị Rành của chị đã được đặt cho một con đường ở phường Linh Tây và Trường Tiểu học trên địa bàn phường Hiệp Bình Phước – quê hương thân yêu của chị.
Noi gương kiên trung, bất khuất của nữ anh hùng liệt sĩ Đặng Thị Rành, thế hệ trẻ Thủ Đức, nhất là các chị em phụ nữ, đã không ngừng phấn đấu vươn lên, giỏi việc nước, đảm việc nhà… phát huy truyền thống 08 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà sinh thời Bác Hồ đã tặng cho các chị em. Hiện nay, phụ nữ Việt Nam cũng đang xứng đáng với danh hiệu 08 chữ vàng “Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng” mà Đảng và Nhà nước trao tặng.
Lynh Trang – Kiều Thiện