Sáng ngày 30/7, UBND TP Thủ Đức phối hợp Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cụ thể là Viện nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng tổ chức hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức về kinh tế số chủ đề “Kinh tế số – Động lực phát triển thành phố Thủ Đức” cho hơn 500 cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn TP Thủ Đức.

Đồng chí Nguyễn Trần Phú Thịnh, Trưởng phòng Khoa học – Công nghệ và Thông tin TP Thủ Đức tặng hoa cảm ơn Tiến sĩ Trịnh Tú Anh, Viện trưởng Viện Đô thị Thông minh và Quản lý và Tiến sĩ Nguyễn Kim Đức, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Tư vấn Phát triển vùng thuộc Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh.
Hội nghị nhằm cung cấp thông tin kiến thức kinh tế số, chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn TP Thủ Đức trong công tác quản lý; đặc biệt nắm bắt thực tiễn cơ hội, thách thức tác động kinh tế số, đồng thời hiểu rõ về các xu hướng công nghệ, các chính sách và quy định liên quan để có thể tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân trong quá trình chuyển đổi số.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Trần Phú Thịnh, Trưởng Phòng Khoa học – Công nghệ và Thông tin TP Thủ Đức cho biết: kinh tế số mở ra những triển vọng to lớn, nhưng đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu cao đối với năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị. Đồng chí đề nghị cán bộ, công chức, viên chức mạnh dạn trao đổi, từ đó đề xuất các ý tưởng, giải pháp, sáng kiến triển khai thí điểm, phục vụ công tác quản lý, cải cách hành chính tại đơn vị một cách cụ thể và hiệu quả mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng, cho xã hội. TP Thủ Đức quyết tâm, nỗ lực không ngừng đổi mới sáng tạo để xây dựng một nền kinh tế số phát triển, hiện đại và bền vững – phát triển TP Thủ Đức sáng tạo, tương tác cao.
Thay mặt Viện nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng, Tiến sĩ Trịnh Tú Anh, Viện trưởng Viện Đô thị Thông minh và Quản lý trình bày khái quát chung về kinh tế số, các chính sách liên quan về phát triển kinh tế số tại Việt Nam hiện nay; tổng quan, cách đo lường, cơ hội và thách thức kinh tế số TP Hồ Chí Minh; những yêu cầu cơ bản đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ trong môi trường kinh tế số hiện nay.

Quang cảnh hội nghị phổ biến kiến thức về kinh tế số chủ đề “Kinh tế số – Động lực phát triển TP Thủ Đức”.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Đức, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Tư vấn Phát triển vùng thuộc Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ: vai trò đặc biệt của kinh tế số trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang mang lại nhiều thay đổi cơ bản, tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó phải kể đến sự bứt phá trong cải cách hành chính, chuyển đổi số thực hiện chính quyền điện tử trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết để phát triển TP Thủ Đức.
Năm 2024, TP Thủ Đức quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc Hội, hoạt động khoa học – công nghệ, thông tin và đổi mới sáng tạo tập trung phát triển dữ liệu số, xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ chuyển đối số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Để đảm bảo mục tiêu, thành phố xác định phát triển nhân lực số thông qua kiện toàn nhân sự và bồi dưỡng nghiệp vụ tổ công nghệ số cộng đồng tại các phường, lấy lực lượng thanh niên làm nồng cốt, bồi dưỡng, công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, xây dựng lực lượng thông tin tuyên truyền, ứng dụng công nghệ trợ lý ảo hướng dẫn người dân truy cập internet, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bảo mật thông tin, chữ ký số công cộng… phát triển Chính quyền số đủ mạnh, thông suốt, thủ tục hành chính gọn nhẹ, nhanh chóng trong môi trường kinh tế số tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Chí Lộc