Hướng tới mục tiêu phát triển BHXH tự nguyện

BẢN TIN VĂN HÓA - XÃ HỘI

Theo quy định hiện nay, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được tham gia BHXH tự nguyện.

Người tham gia được lựa chọn một trong các phương thức đóng: đóng hằng tháng, đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần, đóng một lần cho thời gian về sau, tối đa là 5 năm (60 tháng) hoặc đóng một lần cho thời gian còn thiếu đối với người đã đủ điều kiện về tuổi đời để được hưởng lương hưu, thời gian đóng còn thiếu tối đa 10 năm.

Từ năm 2018, theo quy định của Luật BHXH 2014, ngân sách Nhà nước (NSNN) hỗ trợ đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện với mức hỗ trợ lần lượt là: 30% với hộ nghèo, 25% với hộ cận nghèo và 10% với đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tối đa 10 năm. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính riêng năm 2022, số tiền NSNN hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện là 218.756 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với năm 2018 (39.549 triệu đồng).

Về điều kiện nghỉ hưu của người tham gia BHXH tự nguyên, từ năm 2020 trở về trước người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên và có thời gian đóng BHXH (bao gồm cả BHXH bắt buộc nếu có) từ đủ 20 năm trở lên. Từ năm 2021, điều kiện về tuổi đời để được hưởng lương hưu mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam, 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Với các quy định nêu trên, số người tham gia BHXH tự nguyện cũng liên tục tăng trong giai đoạn vừa qua.

Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19 và nhất là việc điều chỉnh mức đóng BHXH tự nguyện theo mức chuẩn nghèo mới, tốc độ phát triển BHXH tự nguyên có xu hướng chậm lại trong hơn 2 năm gần đây (năm 2021, đạt 1,44 triệu người tham gia; năm 2022 là 1,46 triệu người).

Giai đoạn (2016-2022), về chế độ hưu trí, bình quân mỗi năm có trên 8.600 người tham gia BHXH tự nguyện được giải quyết hưởng hưu trí. Trong đó, năm 2016 có 11.173 người; năm 2022 có 7.749 người; riêng quý I/2023 có 1.267 người.

Bên cạnh đó, cả nước đã có 741 người tham gia BHXH tự nguyện được giải quyết hưởng tuất hàng tháng, bình quân 105 người/năm. Số người hưởng chế độ tuất một lần cao hơn, với tổng cộng 9.435 người, bình quân 1.340 người/năm.

Đáng nói, số người tham gia BHXH tự nguyện nhận BHXH một lần luôn ở mức cao hơn nhiều lần so với chế độ hưu trí hay tử tuất, nhất là trong hơn 2 năm gần đây (bình quân mỗi năm có khoảng 15.400 người nhận BHXH một lần), trong đó năm 2022 số người hưởng BHXH một lần gấp hơn 6 lần năm 2019.

Những con số trên cho thấy, số người tham gia BHXH tự nguyện tuy có tăng, nhưng hơn 2 năm gần đây, tốc độ tăng chậm lại (năm 2021 chỉ tăng 29% so với 2020; năm 2022 cũng chỉ tăng 0,85% so với năm trước đó). Hai nguyên nhân được chỉ ra là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tác động của việc tăng mức đóng BHXH tự nguyện do nâng cao chuẩn nghèo dẫn đến số tiền đóng tăng.

Mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang trong quá trình xây dựng với nhiều thay đổi tích cực về các chế độ, trong đó có BHXH tự nguyện. Điểm mới đáng kể nhất là việc bổ sung chế độ thai sản.

Cụ thể, dự thảo Luật quy định người lao động (bao gồm cả lao động nam và nữ) tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con/có vợ sinh con được hưởng trợ cấp thai sản; mức hưởng là 2.000.000 đồng/con mới sinh.

Nguồn kinh phí chi trả chế độ thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện sẽ do NSNN đảm bảo. Người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm so với quy định hiện hành. Đây được cho là giải pháp để đa dạng, linh hoạt các chế độ BHXH, tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, nhằm thu hút người dân, đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi tham gia BHXH tự nguyện.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muốn hoặc những người tham gia không liên tục khi đến tuổi nghỉ hưu không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH vẫn sẽ được hưởng lương hưu. Quy định này cũng phù hợp với xu hướng quốc tế.

Như vậy, chính sách BHXH tự nguyện với việc đề xuất bổ sung chế độ hưởng thai sản và giảm số năm đóng tối thiểu để được hưởng lương hưu sẽ làm tăng sức hấp dẫn đối với người dân. Điều này cũng phù hợp với định hướng tại Nghị quyết số 28- NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, đó là: sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Nguồn: BHXH Việt Nam