Hành trình gieo từng con chữ.

BẢN TIN HỌC TẬP - LÀM THEO LỜI BÁC TẤM GƯƠNG ĐIỂN HÌNH

Là người hiền lành chịu thương chịu khó, sống hòa đồng, cô Trần Thị Thanh Thủy được người dân trong khu phố 5, phường Bình Trưng Đông tín nhiệm vận động tham gia Ban điều hành khu phố. Cũng nhờ tham gia Ban điều hành khu phố cô có dịp tham gia các hoạt động công tác xã hội, sâu sát từng hộ gia đình trong khu phố. Trong quá trình tham gia cô phát hiện trong khu Gò Mã có rất nhiều trẻ em nghèo. Cô cho biết: “Hằng ngày, các em đi lang thang trong nghĩa trang lấy đồ cúng, trái cây mang về ăn và đi bán cho người khác. Có em theo nhóm người lớn làm chuyện xấu nên tình hình khu phố rất phức tạp”.

Sau nhiều ngày suy nghĩ làm sao giúp các em thoát khỏi đói nghèo và bằng tình thương của một người thầy, người mẹ cô nghĩ chỉ có con đường học vấn mới giúp các em và gia đình mình có tương lai tươi sáng. Từ đó cô quyết định dạy học cho các em, hy vọng kiến thức, tri thức sẽ giúp các em thoát khỏi con đường luẩn quẩn bao đời nay của gia đình các em không biết chữ,  nghèo đói.

Hành trình gieo từng con chữ

Sau nhiều lần tìm hiểu, suy tính cuối cùng cô mạnh dạn đề xuất với Ban điều hành khu phố và Ủy ban nhân dân phường Bình Trưng Đông cho mượn trụ sở khu phố làm lớp học, cô tự bỏ tiền túi ra trang bị lớp học cho tươm tất, sau đó cô đi từng nhà, từng khu phố chỗ nào có trẻ em lang thang cô đều tìm đến vận động bố mẹ cho các em đến lớp học do cô trực tiếp dạy. Mất cả tháng trời cô vận động được 4 em chịu đến lớp. Từ 4 em học sinh ban đầu, chỉ sau thời gian ngắn phụ huynh, học sinh nghèo của phường và các phường xung quanh biết đến lớp học đặc biệt của cô Thủy không học phí, không sách vở, không bị đói đã chủ động tìm đến xin được học.

Từ lo lắng không có học sinh phải đi vận động từng nhà, thuyết phục từng em, đến nay lớp cô Thủy đã có hơn 40 em từ 6 tuổi đến 18 tuổi theo học. Giờ đây, lớp học cô Thủy luôn đầy ắp học sinh, không còn lo thiếu học sinh nhưng lại phát sinh hàng loạt nỗi lo khác như phòng học, sách vở, giáo viên dạy và lo bữa ăn cho các em no bụng để yên tâm ngồi học…

Sau gần 10 năm lớp học đặc biệt của cô giáo Thủy ra đời cũng là có hàng trăm em học sinh nghèo đã biết đọc, biết viết. Có em được các trường công nhận vào học tiếp chương trình Tiểu học và Trung học cơ sở. Nhìn ánh mắt bừng sáng, nụ cười vui mừng hạnh phúc của các em mà hai dòng nước mắt lăn dài trên má của cô vì hạnh phúc. Vậy là các em từ những mầm xanh lâu nay tưởng chừng bị hư hỏng, bị bỏ quên nay nhờ có bàn tay chăm sóc, gieo trồng, chăm bón những hạt giống đó đã ra hoa kết trái.

Không chỉ chủ động thành lập, duy trì đứng lớp học tình thương dành cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của mình, cô Thủy còn trực tiếp giúp đỡ bằng tiền tiết kiệm của mình mua dụng cụ học tập, đồng phục và vận động các tình nguyện viên đứng lớp dạy học cho các em. Kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ đưa 6 em vào học ở các trường công lập bằng các nguồn học bổng, đỡ đầu, nguồn hỗ trợ từ mạnh thường quân để đóng học phí, chăm lo (trên 70 triệu đồng), vận động được 6 chiếc xe đạp, 1.500 tập trắng, 26 cặp học sinh, 50 bộ đồng phục cho học sinh nghèo của lớp do cô phụ trách.

Người phụ nữ của cộng đồng

Bên cạnh đó, cô Trần Thị Thanh Thủy là thành viên “Bếp cơm nghĩa tình” mỗi ngày các cô nấu hàng trăm suất cơm phát miễn phí cho người nghèo, lực lượng tham gia bảo vệ các chốt phong tỏa, khu cách ly phòng, chống COVID-19 trên địa bàn thành phố Thủ Đức. Thường xuyên vận động mạnh thường quân ủng hộ công sức, kinh phí, gạo và các vật phẩm cần thiết giúp địa phương chăm lo cho người nghèo, người bệnh trong
khu phố.

Câu lạc bộ nữ giúp việc nhà với 09 thành viên, tổ gia công thắt nơ với gần 20 thành viên, phối hợp thành lập “Tổ dạy làm bánh” nhận hỗ trợ dạy cho các chị chưa có việc làm để có thêm thu nhập, thực hiện các đợt bán bánh gây quỹ hỗ trợ cho hội viên khó khăn.

Cô Trần Thị Thanh Thủy hướng dẫn các em học sinh học bài.

Mua tặng 37 thẻ bảo hiểm y tế cho hội viên phụ nữ khó khăn, tặng 21 suất học bổng cho học sinh nghèo… với số tiền trên 175 triệu đồng. Chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của phường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng giới thiệu việc làm cho 17 người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo với thu nhập bình quân 3.500.000 đồng/tháng.

Vận động tổ chức ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết trung thu hàng năm cho các cháu với kinh phí trên 30 triệu đồng mỗi đợt. Thực hiện chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” vận động Nhân dân bê tông hóa tuyến đường số 3 và đường số 5 (260 triệu đồng). Chủ động vận động Nhân dân tổ 11 nâng cấp hẻm 18 đường số 6, đặt ống dẫn nước dài 274m với tổng số tiền là 138 triệu đồng, gắn camera tuyến đường 42, khu phố 5 (90 triệu đồng)…Vận động Nhân dân xây dựng khu phố văn hóa. Tổ dân phố 11 do cô làm tổ trưởng 5 năm liền nhận giấy khen về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Ước mong của cô Thủy khi tuổi cao, sức yếu không tham gia được các hoạt động địa phương thì các thế hệ mai sau sẽ thay cô duy trì và tiếp nối những dự án cô đã tâm huyết dành cả cuộc đời xây dựng. Cô hy vọng lớp học đặc biệt của mình sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và các mạnh thường quân để lớp học tiếp tục được duy trì. Vì chỉ có con đường trí thức mới có thể giúp người dân thoát nghèo bền vững, điều này rất cần sự chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị, các ban ngành đoàn thể và toàn thể Nhân dân vì mục tiêu “Xây dựng thành phố Thủ Đức trở thành đô thị thông minh, sáng tạo; có chất lượng sống tốt, văn minh – hiện đại – nghĩa tình; phát triển nhanh, bền vững”.

CHÍ LỘC