Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.
Gia đình chính là tổ ấm thương yêu, môi trường đầu tiên và quan trọng nuôi dưỡng, hình thành nhân cách mỗi con người, có ý nghĩa quan trọng trong kiến tạo nên những tế bào khỏe mạnh cho xã hội. Do đó, phát huy nét đẹp vốn có trong truyền thống gia đình Việt Nam là điều cốt lõi, chính là “phát huy vai trò của ông bà, cha mẹ trong giáo dục giá trị gia đình cho con cháu”.
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, gia đình có những biến đổi mạnh mẽ. Biến đổi nhanh đến nỗi chúng ta có thể thấy, cảm nhận bằng chính những hành vi thường ngày trong gia đình. Người trẻ thích cuộc sống tự lập bên ngoài. Cuộc sống tất bật lo toan, với 8 hoặc hơn 8 giờ dành cho lao động bên ngoài, hoặc buôn bán, kinh doanh bên ngoài và thời gian dành cho gia đình là ít ỏi. Những câu chào hỏi vội vã, những cái ôm hờ hững, những bữa cơm thưa dần những thành viên,… thay vào đó, mỗi thành viên dành thời gian cho thế giới riêng của chính mình nhiều hơn là giao tiếp với các thành viên còn lại, dành thời gian để lướt web, chơi game hơn là trò chuyện với cha mẹ, ông bà hay anh chị em trong gia đình. Sợi dây kết nối giữa các thành viên trở nên mỏng manh thiếu chất kết dính bền vững. Nhiều người mãi chạy theo những danh vọng của cuộc sống và bỏ quên việc quan trọng nhất, đó là vun đắp điểm tựa – gia đình.
Nhân Kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2024) với chủ đề “Gia đình hạnh phúc – Quốc gia thịnh vượng”; Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình với chủ đề “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương” và Tháng hành động vì Trẻ em với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”.
Chính vì thế, chúng ta mong muốn có những gia đình đầm ấm, thuận hòa “để tát biển Đông cũng cạn” đong đầy tình yêu thương là rất cần thiết vì ở mỗi gia đình tốt sẽ dạy cho chúng ta biết “nổi giận” nhưng nổi giận có kiểm soát, sự nổi giận của người lương thiện trung thực để góp phần gìn giữ chủ quyền của Tổ quốc. Bởi vậy, gia đình là tế bào của xã hội là hạt nhân của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt như lời Bác dạy.
Ngạn ngữ có câu “Hãy lắp đầy một ngôi nhà bằng tình yêu, nó sẽ trở thành gia đình” cho nên, dù đi đâu, ở đâu hay làm gì, thì sau tất cả, chúng ta vẫn mong muốn trở về với mái ấm gia đình của mình. Nơi đó, sẽ có người đang mong chờ để kịp về ăn chung bữa cơm gia đình, để cùng hướng dẫn con bài tập toán mà cô giáo mới giao, hay để nhìn thấy nụ cười của cha mẹ khi hỏi “Hôm nay con làm việc thế nào, có vất vả không?” Chỉ thế thôi, gia đình là như thế, đủ để chúng ta nhớ, đủ để yêu thương khi phải rời xa.
Nhân Vân