Đoàn Đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến cử tri công nhân lao động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

BẢN TIN VĂN HÓA - XÃ HỘI

Chiều ngày 18/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh phối hợp LĐLĐ TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi).

Chủ trì hội nghị gồm các đại biểu Quốc hội khóa XV: Hà Phước Thắng, TUV, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Trần Phượng Trân, TUV, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh; Phan Thị Thanh Phương, TUV, Bí thư Quận ủy Quận Phú Nhuận và đồng chí Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh.

Tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri có các đồng chí: Kiều Ngọc Vũ, UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Thủ Đức; Nguyễn Trí Dũng, TUV, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Thủ Đức; Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UB.MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức; Võ Minh Thanh Tùng, UVBTV Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ TP Thủ Đức cùng 250 cử tri là đoàn viên công đoàn, công nhân lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP Thủ Đức…

Đại biểu Hà Phước Thắng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh
trao quà đến công nhân, người lao động.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh cho biết, hội nghị được tổ chức để các Đại biểu Quốc hội được tiếp xúc, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri là công nhân, lao động về việc làm, thu nhập, đời sống cũng như góp phần xây dựng chính sách, pháp luật đảm bảo sát thực tế; đồng thời để đại biểu Quốc hội tổng hợp và phản ánh ý kiến với Quốc hội, các cơ quan, đơn vị liên quan…

Cử tri Hoàng Thị Tú Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hoàng Lam kiến nghị tại hội nghị.

Tại hội nghị đã tiếp nhận 16 lượt ý kiến, kiến nghị của các cử tri. Về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), nhiều ý kiến cử tri cho rằng nguồn thu kinh phí công đoàn 2% rất quan trọng để đảm bảo hoạt động; Công đoàn phải tự chủ về tài chính và tự quyết định các nguồn thu, chi tài chính nhằm chăm lo kịp thời cho người lao động, không nên phụ thuộc vào Chính phủ… Việc thi hành Luật Việc làm hiện nay cho thấy vẫn còn một bộ phận người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản; mong muốn được Nhà nước hỗ trợ kịp thời đối với trường hợp doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHTN để người lao động được hưởng quyền lợi về BHTN đúng quy định, đảm bảo cuộc sống; tăng mức trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% mức tiền lương bình quân hàng tháng nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động khi mất việc làm; ưu tiên trợ giá mua nhà ở xã hội cho công nhân người lao động có thu nhập thấp…

Ngoài ra, một số ý kiến của cử tri liên quan đến quyền lợi người lao động như: cần tăng mức lương trợ cấp BHTN cho người lao động; thời gian chi trả bảo hiểm nên rút ngắn lại…

Dịp này, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh cùng các Đại biểu Quốc hội trao tặng 250 suất quà (mỗi suất 1 triệu đồng tiền mặt) cho công nhân người lao động nỗ lực vượt khó, tích cực lao động sản xuất, làm việc, đóng góp vào sự phát triển của TP Hồ Chí Minh.

Lương Hợp