Công an thành phố Thủ Đức: Khuyến cáo phòng ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng xã hội

BẢN TIN QUỐC PHÒNG - AN NINH

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của internet, số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng, cho phép người dùng chia sẻ, trao đổi thông tin, kết nối toàn cầu. Theo thống kê năm 2021, số người dùng internet trên toàn cầu là 4,66 tỷ người (chiếm 59,5% dân số thế giới). Riêng tại Việt Nam có khoảng 68,72 triệu dân sử dụng Internet (chiếm 70,3% dân số). Đi đôi với sự bùng nổ của Internet và công nghệ 4.0 hiện nay, tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng đã và đang có chiều hướng gia tăng, phổ biến với nhiều phương thức thủ đoạn, đa dạng, tinh vi, gây hậu quả khó lường cho tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội nhất là tội phạm lừa đảo trên không gian mạng và địa bàn TP Thủ Đức cũng không ngoại lệ.

Trước thực trạng trên, Công an TP Thủ Đức đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để phòng ngừa các loại tội phạm nói trên, trong đó tăng cường liên hệ kết nối với đại diện các chi nhánh ngân hàng, các phòng giao dịch đóng trên địa bàn, tiếp xúc người bị hại là nạn nhân các vụ lừa đảo qua mạng để trao đổi nguyên nhân, hướng khắc phục, phòng ngừa; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: biên soạn tài liệu tuyên truyền, video clip, tuyên truyền miệng, phát loa phát thanh, đăng tải thông tin tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử TP Thủ Đức, Bản tin TP Thủ Đức…Qua đó, đã phát hành 37.800 tài liệu tuyên truyền, tiếp xúc làm việc với 31 chi nhánh ngân hàng và phòng giao dịch, tiếp xúc làm việc với người dân bị lừa đảo qua mạng, tuyên truyền miệng trực tiếp 67 lượt/14.966 người tham dự về phòng ngừa tội phạm lừa đảo qua mạng lồng ghép an toàn giao thông và PCCC…

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo thông qua mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội… vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Nguyên nhân chủ yếu người dân vẫn còn bị lừa do nhẹ dạ cả tin, bị đối tượng đánh vào tâm lý sợ liên quan đến pháp luật, lòng tham của nạn nhân. Thực tế cho thấy nhiều nạn nhân khi bị lừa không báo cho cơ quan công an biết vì sợ sệt, lo lắng. Đối tượng bị hại trong số này đa phần là trung niên, hưu trí và không ít người có trình độ học vấn cao. Riêng nhóm đối tượng có hành vi dùng thủ đoạn gian dối trên không gian mạng nhằm chiếm đoạt tài sản đã vi phạm vào Điều 174 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an TP Thủ Đức tuyên truyền tại khu lưu trú công nhân Công ty Suối Tiên, phường Tân Phú.

Từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm có thể nhận diện 12 thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng phổ biến nhất như sau: (1) Thủ đoạn gọi điện, gửi tin nhắn khuyến mại, trúng thưởng, nhận hoa hồng; (2) Thủ đoạn yêu cầu nâng cấp sim điện thoại cho khách hàng; (3) Thủ đoạn giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án để gọi điện lừa đảo; (4) Thủ đoạn giả tuyển cộng tác viên để lừa đảo; (5) Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mời chào đầu tư tiền ảo, chứng khoán quốc tế; (6) Thủ đoạn giả người thân, người quen, đồng nghiệp nhắn tin qua các ứng dụng mạng xã hội để vay – mượn tiền; (7) Thủ đoạn cho vay tiền qua app (vay tiền online); (8) Thủ đoạn giả danh nhân viên bưu điện, điện lực, viễn thông; (9) Thủ đoạn hack Facebook, Zalo để vay mượn tiền; (10) Thủ đoạn gởi đường link giả để đánh cắp thông tin ngân hàng; (11) Thủ đoạn dẫn dụ nạn nhân cung cấp tên đăng nhập mật khẩu và mã OTP tài khoản ngân hàng; (12) Thủ đoạn gửi tiền, quà, hàng hóa từ nước ngoài về

  • Biện pháp phòng ngừa:

Khi có tin nhắn hoặc cuộc gọi đến từ các số máy lạ tuyệt đối không thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng; không bấm vào đường link lạ theo hướng dẫn; không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, căn cước công dân, mã OTP; không chuyển tiền khi không biết rõ đối tượng nhận tiền cụ thể là ai; không chuyển tiền đóng phí để nhận hàng, quà của đối tượng lạ từ nước ngoài gửi về; nếu có tin nhắn mượn tiền từ số máy người thân thì phải điện thoại xác thực trước khi chuyển tiền; không tham gia các sàn chứng khoán ảo; không vay mượn tiền qua các App trên mạng xã hội; khi có người xưng là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, nhân viên thu cước viễn thông, thu tiền điện…hù dọa thì tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng chỉ định sẵn.

Công an TP Thủ Đức tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ, thanh niên trong khu chung cư Avenew, phường Tam Bình.

KHUYẾN CÁO CỦA CÔNG AN TP THỦ ĐỨC:

Ngày nay việc sử dụng không gian mạng đã trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên khi sử dụng mạng xã hội, mọi người cần lưu ý thực hiện đúng các quy định của Luật an ninh mạng và các quy định pháp luật khác để vừa không vi phạm pháp luật, vừa không trở thành nạn nhân do các đối tượng lợi dụng mạng xã hội gây ra. Đảm bảo nguyên tắc “Tôn trọng, tuân thủ pháp luật, an toàn – bảo mật thông tin, trách nhiệm”. Luật an ninh mạng năm 2018 quy định: Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (theo Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017), nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Qua đây, Công an TP Thủ Đức cũng đề nghị cán bộ, công nhân viên chức, đoàn viên, hội viên, người lao động, học sinh, sinh viên và Nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa, nếu phát hiện một trong các hành vi nêu trên hoặc khi là bị hại hãy tích cực phối hợp cung cấp thông tin tố giác tội phạm cho Công an phường nơi gần nhất hoặc Công an TP Thủ Đức qua số điện thoại 028.3897.2025

CÔNG AN TP THỦ ĐỨC