Chùa Thiên Phước tọa lạc tại số 37/217, khu phố 8, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, TP.HCM; Chùa Thiên Phước được xây dựng theo kiểu cổ với kiến trúc chữ đinh, diện tích xây dựng 788 m2 trên tổng diện tích gần 9.000 m2.
Chùa Thiên Phước là cơ sở tôn giáo Phật giáo thuộc phái phật giáo Cổ sơn môn lục hòa, hệ phái Bắc tông, thờ cúng hội đồng chư phật (bao gồm cả tôn giáo và tính ngưỡng dân gian). Chùa do thiền sư Tịnh Nhãn khai sơn vào đầu thế kỷ XIX trong phong trào phục hưng Phật giáo của nhà Nguyễn. Lúc đầu, chùa chỉ là một am nhỏ, người dân quen gọi là chùa Cát, vì xây trên gò Cát. Qua một vài lần trùng tu, chùa được đổi tên là Thiên Phước tự.

Trải qua nhiều biến cố, chùa Thiên Phước vẫn giữ được nét dáng kiến trúc xưa, mái ngói lợp âm dương. Ngay cổng tam quan là ngôi miếu thờ bà Ngũ Hành; bên hông chánh điện có mộ hòa thượng Thiên Ngọc, được xây thành tháp 3 tầng, cao 15m. Bên cạnh là An Mộ đường với tổng diện tích 40m2. Tất cả tường, cột, mái đều được đúc bằng bê tông, 4 góc mái là 4 con rồng rất đẹp.
Trong chùa còn 3 ngôi mộ cổ bằng đá xanh, hình dáng voi phục. Hiện nay chùa còn giữ được một số đồ tế khí có niên đại tương đối lâu đời và đều được làm bằng gỗ quý như: 30 cột gỗ lớn chịu lực, 26 pho tượng cổ, 6 bao lon, 11 hoành phi, 2 bức liễn, 7 cặp câu đối, 12 long vị tổ sư. Tất cả được bài trí rất hợp lý ở chánh điện, nhà Tổ và giảng đường.
Chùa Thiên Phước là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phốđược xếp hạng di tích theo Quyết định số 24/2005/QĐ-UB ngày 01/02/2005 của UBND TP.HCM. Có nhiều hiện vật có giá trị nghệ thuật cao về kiến trúc xây dựng, hiện vật thờ cúng và nghi thức cúng tế (phi vật thể) mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc tính ngưỡng dân gian Việt Nam.
Hiện nay, Chùa Thiên Phước được Ban trị sự bảo quản, tôn tạo và phát huy tốt giá trị di tích, là nơi thể hiện sự tôn kính, khấn nguyện của nhân dân và là địa điểm tham quan của du khách.
Thanh Tuyền (t/h)