Chùa Bửu Sơn – Di tích kiến trúc nghệ thuật

BẢN TIN DI TÍCH LỊCH SỬ

Chùa Bửu Sơn tọa lạc tại số 341, đường Nguyễn Văn Tăng, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TP.HCM. Chùa Bửu Sơn thuộc hệ phái Bắc Tông; là ngôi chùa có giá trị về kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho kiến trúc của các đình, chùa tại Nam bộ. Chùa đã được UBND TP.HCM xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 2209/QĐ-UBND ngày 28/4/2012, di tích chùa Bửu Sơn được bảo vệ theo Luật Di sản Văn hóa được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 29/6/2001.

Chùa Bửu Sơn được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX, trên một khuôn viên rộng khoảng 8.000m2, bao gồm nhiều công trình như: cổng tam quan, tiền điện, chính điện, nhà Tổ, hành lang, khu trai đường…

Cổng tam quan chùa được xây dựng khá kiên cố. Trong sân chùa có đài tháp thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và bệ thờ Di Lặc Bồ Tát. Tiền điện là nhà ba gian, cột gỗ đường kính từ 25-30cm. Mái tiền điện lợp ngói vảy cá, trên đường bờ nóc mái trang trí tượng đầu rồng đội bánh xe pháp luân, đường bờ dải hai bên mái trang trí tượng rồng uốn lượn trong mây, hai đầu đao là tượng chim phượng. Ở gian giữa chính tiền điện có treo bức hoành phi sơn son thếp vàng chạm chìm chữ Hán: “Bửu Sơn tự”.

Chính điện được xây dựng theo kiểu tứ trụ cùng với đó Điện thờ Phật Thích Ca được trang trí bao lam chạm lộng tứ linh, giữa chính điện có bốn cột gỗ tròn lớn, đường kính khoảng 30cm, đỡ lấy bộ vì kèo bằng gỗ mở rộng ra bốn phía. Dọc các hành lang bên phải, bên trái chính điện đều được đặt nhiều tượng Phật chạm trổ tinh tế, bố trí hài hòa, đối xứng. Các kèo, xà, cột được lắp ghép lại với nhau bởi các mộng, giống kỹ thuật làm nhà rường của người dân Nam bộ xưa.

 Bàn tam bảo đặt giữa chính điện, bậc trên cao là tượng Phật Thích Ca tọa thiền trên tòa sen, tay bắt ấn, hình vẽ cây bồ đề trên bức tường phía sau tượng Phật tạo cho người viếng cảnh chùa có cảm giác như Phật đang thiền định dưới bóng bồ đề. Ở bậc tiếp theo là bộ tượng Di Đà Tam Tôn: A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Thích Ca Sơ Sinh và bảy vị Dược Sư Lưu Ly Quang Phật bằng gốm men nhiều màu. Điện thờ Phật Thích ca có bao lam chạm lộng tứ linh: long, lân, qui, phụng và dây, lá, hoa. Phía trên có bức hoành phi gỗ chạm nổi chữ Hán: “Đại hùng bửu điện – Điện thờ đức Phật”. Ở hai cột bên trang trí đôi câu đối bằng gỗ hình lòng máng, xung quanh chạm khắc hoa văn kỷ hà và dơi – tượng trưng cho điềm phúc, điềm tốt lành.

Chùa Bửu Sơn – Di tích kiến trúc nghệ thuật

Hành lang bên trái có tượng Diêm Vương được làm bằng gỗ mít, gồm 5 tượng Diêm Vương, 2 tượng Phán quan và 2 tượng người hầu là những hiện vật quý của chùa Bửu Sơn. Các tượng có niên đại khoảng giữa thế kỷ XIX.

 Chùa tuy được trùng tu lại vào thế kỷ XX, nhưng vẫn bảo lưu kiểu dáng kiến trúc trước đây, chính điện được làm theo kiểu nhà tứ trụ, một kiểu kiến trúc rất phổ biến của đình chùa vùng Nam Bộ xưa. Các cột, kèo, đòn tay… đều làm bằng gỗ, không chạm khắc rồng mây hay lá hoa nhưng toát lên vẻ đơn sơ mộc mạc, tạo nên một bộ khung kiến trúc vững chắc đỡ lấy bộ mái ngói với những tượng trang trí hoành tráng mang đậm mô típ Phật giáo. Qua những giá trị nghệ thuật thể hiện trong kiến trúc, các tác phẩm điêu khắc tượng gỗ có thể nói chùa Bửu Sơn là một trong những ngôi chùa cổ kính, trang nghiêm của TP Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung.

Hàng năm ở chùa Bửu Sơn đều tổ chức các nghi lễ trang nghiêm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo Phật tử và người dân đến chiêm bái như: lễ Phật đản, lễ Vu Lan, lễ An Cư Kiết Hạ… Bên cạnh đó, các ni sư còn tổ chức các lễ kỵ húy trong năm để tưởng nhớ các vị tổ sư.

Huy Hải (t/h)