Ngăn chặn hỏa hoạn từ ý thức, trách nhiệm
Để hạn chế thiệt hại, những người làm công tác chữa cháy phải chạy đua từng giây, từng phút. Chính vì thế, phương châm “người chữa cháy hiệu quả nhất là người phát hiện cháy sớm nhất” luôn phải đặt lên hàng đầu. Tức là, khi phát hiện vụ cháy thì việc sử dụng phương tiện tại chỗ để dập lửa luôn mang lại kết quả tối ưu. Đó là lý do trong công tác phòng ngừa hỏa hoạn, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) bao giờ cũng duy trì và tuân thủ phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ), phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân.
ơ
Luật PCCC và CNCH quy định rất cụ thể, trách nhiệm PCCC là trách nhiệm công dân, vì thế phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa hỏa hoạn phải xuất phát từ mỗi con người cụ thể. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH là lực lượng quản lý Nhà nước về công tác PCCC, nòng cốt để xây dựng và phát huy sức mạnh tổng thể, xây dựng “Thế trận toàn dân với công tác đảm bảo an toàn PCCC”.
Lực lượng chữa cháy cơ sở, mô hình phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư là những cánh tay nối dài, hiệu quả, để lan tỏa trách nhiệm phòng ngừa hỏa hoạn. Khi người dân nâng cao ý thức, tự trang bị phương tiện và luôn coi hỏa hoạn là hiểm họa khôn lường thì sẽ hạn chế được số vụ cháy, hạn chế được thiệt hại về người và tài sản. Ý thức PCCC của mọi người dân chuyển biến là cách phòng ngừa hiệu quả nhất.

Khép kín thế trận toàn dân PCCC
Nhằm phát huy hiệu quả nhiệm vụ quản lý Nhà nước về PCCC, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực ngày 10/01/2021. Công an TP Thủ Đức đã nhanh chóng hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, phân loại và bàn giao danh sách cơ sở thuộc phụ lục IV – Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ cho UBND cấp phường để thực hiện quản lý Nhà nước về PCCC theo quy định của pháp luật. Hiện nay, Công an TP Thủ Đức đã tổ chức bàn giao danh sách 1.660 cơ sở cho 32/34 phường để thực hiện việc quản lý Nhà nước về PCCC.
Theo đó, các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao và các hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn sẽ do cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH có trách nhiệm quản lý, theo dõi. Các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ thấp hơn và các hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ sẽ do UBND cấp phường có trách nhiệm quản lý, theo dõi.
Với các chiến dịch kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền người dân mở lối thoát nạn thứ hai trong ngôi nhà của mình, hiện lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TP Thủ Đức) đã xây dựng, duy trì mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng, việc ra mắt 2 mô hình trên có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc phát hiện và báo cháy kịp thời, tổ chức chữa cháy hiệu quả, phát huy phương châm “4 tại chỗ” làm giảm thiệt hại về người và tài sản khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Bước đầu, mô hình này được triển khai đến cấp phường, khu dân cư, tổ dân phố và từng người dân. Từ việc tham mưu, triển khai kịp thời các Chỉ thị, Nghị định của Chính phủ, Bộ Công an liên quan đến công tác PCCC, Công an TP Thủ Đức đã chuyển hóa bằng hành động tại cơ sở, chú trọng và phát huy hiệu quả công tác PCCC tại cơ sở với nhiều hình thức, biện pháp… Cùng với đó là sự chung tay, lan tỏa các biện pháp PCCC, trang bị kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm cho người dân; tập huấn, huấn luyện cho lực lượng chữa cháy cơ sở; tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời vi phạm, tồn tại, từ đó phát huy hiệu quả phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do các vụ cháy gây ra.
Công an TP Thủ Đức