Đi chợ là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hiện nay để duy trì sinh hoạt gia đình hằng ngày của người dân. Với đặc thù tâm lý, thói quen mua sắm nên đa số người nội trợ vẫn duy trì mua sắm tại các chợ truyền thống, vì vậy việc tập trung hàng hóa để kinh doanh tại các chợ rất lớn, kéo theo nguy cơ cháy nổ rất cao.
Theo Công an TP Thủ Đức, công tác PCCC hiện nay tại các chợ truyền thống thường bị lơ là và thiếu quan tâm. Nhất là trong giai đoạn cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài; lượng dự trữ hàng hóa tại các gian hàng; hệ thống điện xuống cấp; trang bị và bảo dưỡng phương tiện PCCC&CNCH còn hạn chế… đang gây ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ, thậm chí có thể lan sang các khu vực xung quanh do có nhiều hộ kinh doanh, sản xuất liền kề.
Trước những nguy cơ về công tác PCCC tại các chợ truyền thống, Công an TP Thủ Đức khuyến cáo một số biện pháp đảm bảo an toàn PCCC cụ thể như sau:
- Đối với Trưởng ban quản lý các chợ
Định kỳ, chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền các kiến thức phòng ngừa, kỹ năng xử lý tình huống cháy nổ ban đầu, mới phát sinh cho các hộ kinh doanh, tiểu thương, ban quản lý, đội PCCC cơ sở. Đảm bảo 100% chủ các hộ kinh doanh, tiểu thương, ban quản lý, đội PCCC cơ sở tham dự ít nhất 01 lần/năm.
Định kỳ, chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp Công an địa phương tham gia tự kiểm tra an toàn PCCC&CNCH từng quầy sạp, ngành hàng, hướng dẫn tiểu thương, hộ kinh doanh các biện pháp phòng ngừa cháy nổ; tiến hành phúc tra việc thực hiện các biện pháp PCCC đã hướng dẫn; xử lý nghiêm các hộ kinh doanh, tiểu thương vi phạm, cố tình không thực hiện các kiến nghị về PCCC.
Rà soát, kiện toàn đội PCCC cơ sở, đảm bảo đủ số lượng và năng lực PCCC&CNCH, chế độ thường trực bảo vệ để xử lý các sự cố cháy, nổ mới phát sinh, chú ý việc phân công và chế độ trực vào ban đêm và ngày nghỉ phải đảm bảo; kiểm tra, thống kê toàn bộ phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang bị, đánh giá tình trạng hoạt động, đề xuất trang bị bổ sung và bảo dưỡng phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn khi cần.
Rà soát, bổ sung, hoàn thiện nội quy PCCC&CNCH, nội quy sử dụng điện, biển báo, biển cấm lửa, cấm hút thuốc lá…thiết thực, phù hợp với từng khu vực, ngành hàng; nghiêm cấm đốt nhang đèn, vàng mã; niêm yết công khai, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nội quy.
Vận động tiểu thương chỉ trưng bày hàng mẫu và hàng bán trong ngày với số lượng tối thiểu, nếu trữ hàng hóa thì phải có kho riêng biệt; sắp xếp hàng hóa gọn gàng, theo dãy, cách xa các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt ít nhất 0,5m; không sắp xếp hàng hóa trên hành lang, lối thoát nạn. Không tích trữ xăng dầu, gas, hóa chất. Bố trí khu vực đun nấu ăn uống phải đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định.
Kiểm tra toàn bộ hệ thống điện, thay thế các thiết bị không đảm bảo an toàn; dây dẫn điện đi vào ống bảo vệ, trang bị thiết bị đóng ngắt tự động để bảo vệ từng khu vực, từng ngành hàng, từng sạp; đề phòng quá tải, chạm chập khi lắp đặt thêm thiết bị tiêu thụ điện và câu mắc điện; các thiết bị điện không sử dụng phải ngắt; sửa chữa kịp thời các thiệt bị điện hư hỏng, lão hóa. Tách riêng biệt hệ thống điện kinh doanh, chiếu sáng bảo vệ, phục vụ thoát nạn và chữa cháy. Không sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy, bóng đèn sợi đốt; sử dụng quạt điện phải có lồng bảo vệ.
Bố trí khu vực để xe đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, sắp xếp xe gọn gàng, thuận tiện cho việc di chuyển, thường xuyên tuần tra bảo vệ, khuyến cáo người dân không đặt vật dễ cháy nổ bên trong cốp xe (pin sạc dự phòng, các chai khí nén…)
Mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với chợ và khuyến khích các tiểu thương mua bảo hiểm cháy nổ đối với tài sản kinh doanh phòng khi có sự cố xảy ra.
Rà soát, bổ sung phương án chữa cháy của cơ sở và phương án cứu nạn, cứu hộ; hàng năm phối hợp Công an địa phương tổ chức học tập và thực tập từng tình huống cụ thể nêu trong phương án đã lập.
Khi có cháy, nổ xảy ra phải nhanh chóng tổ chức thoát nạn và báo ngay qua số điện thoại 114 hoặc ứng dụng Help 114 để được hỗ trợ kịp thời.
- Đối với bà con tiểu thương và người dân đến mua sắm
Phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC và thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn về PCCC như: không hút thuốc lá, không đốt nhang, vàng mã, thờ cúng tại khu vực kinh doanh,…
Tích cực tham gia học tập, nắm vững các kiến thức phòng ngừa, kỹ năng xử lý tình huống cháy nổ ban đầu, mới phát sinh.
Sử dụng điện an toàn, không tự tiện câu mắc; đề phòng quá tải, chạm chập khi lắp đặt thêm thiết bị tiêu thụ điện; các thiết bị điện không sử dụng phải ngắt khỏi hệ thống; sửa chữa kịp thời các thiết bị điện hư hỏng, lão hóa.
Sắp xếp hàng hóa gọn gàng, theo từng lô, dãy, cách xa các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt ít nhất 0,5 m; không sắp xếp hàng hóa cản trở đường đi, lối thoát nạn. Không tích trữ xăng dầu, gas, hóa chất; giảm thiểu số lượng hàng hóa đến mức thấp nhất có thể, nếu phải trữ hàng hóa thì bố trí kho riêng biệt.
Đun nấu riêng biệt, đảm bảo không bắt lửa và cháy lan; quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, sử dụng, kinh doanh gas, xăng dầu, sơn, dung môi; trong đun nấu phải trông coi cẩn thận và tuân thủ các nguyên tắc an toàn.
Sử dụng thành thạo bình chữa cháy xách tay và các loại phương tiện chữa cháy tại chỗ khác; nắm vững 04 bước xử lý cháy nổ theo tiêu lệnh chữa cháy và sẵn sàng xử lý hiệu quả các sự cố cháy, nổ xảy ra.
Công an TP Thủ Đức