Ngày 10/12, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM do đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM dẫn đầu có buổi giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 tại TP Thủ Đức. Cùng dự có các ĐBQH: Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ (UVBTV) Thành ủy, Chủ tịch UB.MTTQVN TP.HCM; Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM.
Về phía TP Thủ Đức có các đồng chí: Hoàng Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức; Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Kỳ Phùng, UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Hữu Anh Tứ, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP; các đồng chí Trưởng các phòng, ban trực thuộc UBND TP Thủ Đức; Chủ tịch UBND 2 phường Thủ Thiêm và An Khánh.

Đồng chí Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 của TP Thủ Đức. Đồng thời cho biết sau khi thành lập TP Thủ Đức, hệ thống hành chính của TP đã cơ bản vận hành thông suốt từ tháng 02/2021 đến nay. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là công tác nhân sự. Vì sau sáp nhập, cán bộ xin nghỉ việc rất nhiều, trong khi số biên chế theo đề án thành lập TP không đủ đáp ứng nhu cầu vận hành bộ máy… Đây là hạn chế lớn nhất sau khi sáp nhập. Công việc, con người tăng nhưng đầu mối giảm. Để vận hành TP Thủ Đức xứng đáng với kỳ vọng thì cần một cơ chế riêng, nhất là trong thời gian tới, dân số của TP Thủ Đức sẽ không dừng lại ở 1,2 triệu dân. Do đó, TP Thủ Đức đề xuất biên chế được sử dụng đến năm 2026 là 3/4 lượng biên chế tại thời điểm sáp nhập. Cụ thể, theo đề án thành lập, số lượng biên chế hành chính cuối năm 2022 của TP Thủ Đức là 459 người. Số lượng biên chế nói trên không đủ để đáp ứng nhiệm vụ tham mưu, giúp việc trong điều kiện địa bàn quản lý quá lớn và đông dân. Khi rà soát để tinh giảm hay đưa về phường, cán bộ rất trăn trở, thậm chí một số đồng chí xin nghỉ việc. Hiện nay, bộ máy của TP Thủ Đức có 585 người làm không hết việc, giảm nữa không đảm bảo khối lượng công việc, nhưng nếu tiếp tục vận hành như hiện nay thì rất áp lực. Để TP phát triển như kỳ vọng đề ra thì cần phải có cơ chế đặc thù. UBND TP.HCM đã chỉ đạo TP Thủ Đức và các sở xây dựng đề án phân cấp ủy quyền từ TP.HCM cho TP Thủ Đức – đồng chí Hoàng Tùng cho biết thêm.

Báo cáo với đoàn giám sát, đồng chí Hồ Hải Phong, Chủ tịch UBND phường An Khánh cho biết: sau khi sáp nhập phường Bình An và Bình Khánh thành phường An Khánh, khối lượng công việc rất lớn, lực lượng bán chuyên trách lương thấp, không có chế độ nên nghỉ việc rất nhiều. Hiện, tổng thu nhập của cán bộ bán chuyên trách khoảng 3-4 triệu đồng/tháng nên nhiều người không an tâm công tác. Sau khi sáp nhập, nhiều cán bộ xin nghỉ việc. Số lượng hồ sơ hành chính nhiều, trong khi con người ít hơn trước. Sau sáp nhập, việc tiếp cận, chuyển giao hồ sơ, công việc tồn đọng của phường cũ rất khó khăn do cán bộ cũ rút đi, cán bộ mới phải nắm bắt lại công việc – ông Hồ Hải Phong chia sẻ.

Phát biểu tại buổi làm việc, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng TP Thủ Đức có 1,2 triệu dân, tương đương số dân một tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay bộ máy của TP Thủ Đức lại chỉ ở cấp huyện, rất khó khăn để đáp ứng. Theo kỳ vọng, mức độ kinh tế của TP Thủ Đức tương đương với địa phương có 3,6 triệu dân. Để đạt được hiệu quả như đề ra thì bộ máy phục vụ phải tương xứng. Để giải bài toán nhân sự, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng lãnh đạo TP Thủ Đức cần có chính sách khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, làm việc hiệu quả cao bằng cách chi thêm phụ cấp trách nhiệm. Để phát triển như kỳ vọng thì TP Thủ Đức cần huy động 1 tỉ USD. Muốn TP Thủ Đức phát triển đột phá, tự thân TP Thủ Đức phải có sự tự chủ cao để phát huy các nguồn lực có sẵn. Cùng với đó, TP Thủ Đức phải có đột phá về trình độ nhân lực; đột phá về hạ tầng 4.0 và hạ tầng đô thị; đột phá về đầu tư…
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM đánh giá việc sắp xếp các đơn vị hành chính tại TP Thủ Đức được triển khai đảm bảo tiến độ, đúng quy định. Đồng chí đề nghị UBND TP Thủ Đức rà soát, có đề án vị trí việc làm của cán bộ, công chức phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, tính toán lại đội ngũ nhân lực chất lượng cao; chủ động nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức, trong đó tập trung nghiên cứu thêm một số cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã ban hành cho một số địa phương khác để có căn cứ đề xuất cơ chế phù hợp. Ngoài ra, TP Thủ Đức lưu ý tiếp tục khai thác các nguồn lực để phát triển; rà soát các dự án trên địa bàn nhằm thúc đẩy triển khai nhanh hoặc đề xuất thu hồi (đối với những dự án không thể triển khai thực hiện), góp phần sử dụng đất đạt hiệu quả cao nhất.
Liên quan đến thu nhập của cán bộ không chuyên trách, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu có giải pháp không chỉ áp dụng cho cán bộ không chuyên trách của TP Thủ Đức mà áp dụng cho các quận, huyện khác của TP.HCM. Trong năm nay, TP.HCM sẽ tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội và đề xuất cơ chế đặc thù, trong đó sẽ có phần cơ chế riêng cho TP Thủ Đức.
Hoàng Thành