Bệnh viện thành phố Thủ Đức ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh

BẢN TIN GIẢI THƯỞNG SÁNG TẠO

Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence) đang có những tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực của đời sống, trong đó có ngành Y tế. AI đang là xu hướng nổi bật trong mọi lĩnh vực toàn cầu và lĩnh vực y tế cũng không ngoại lệ. Nhờ sức mạnh to lớn của trí tuệ nhân tạo, rất nhiều ứng dụng AI trong y tế đã ra đời để giảm tải gánh nặng cho các bệnh viện, cải thiện trình độ chuyên môn và hiệu quả công việc lâm sàng.

Nhận thấy được những lợi ích của AI, Bệnh viện TP Thủ Đức đã phối hợp với Công ty QURE.AI – Ấn độ triển khai ứng dụng phần mềm qXR – Trí tuệ nhân tạo trong đọc kết quả X-Quang phổi tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện để góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ người dân.


Kỹ thuật viên thực hiện chụp Xquang phổi cho bệnh nhân.

TS.BS Vũ Trí Thanh, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức cho biết: ứng dụng AI không chỉ có chức năng bổ trợ cho việc chăm sóc sức khỏe người dân mà còn giúp giảm áp lực cho đội ngũ y, bác sĩ. Khi Bệnh viện ứng dụng phần mềm qXR – trí tuệ nhân tạo trong đọc kết quả X-Quang phổi, đã giúp giảm rõ rệt thời gian chờ đợi của người bệnh trong đọc kết quả X-Quang trung bình từ 60 phút xuống còn 20,38 phút. Đối với Bệnh viện thì ứng dụng AI đã giúp cho đội ngũ nhân viên y tế và bác sĩ của bệnh viện đọc và lọc nhanh các dấu hiệu, tối ưu hóa các nguồn lực; giúp tránh bỏ sót một số tổn thương nhỏ; tăng độ chính xác của dữ liệu trả kết quả dựa trên bigdata và cảnh báo sớm các dấu hiệu ung thư phổi.


Đọc kết quả phim chụp qua ứng dụng phần mềm.
 

Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức Vũ Trí Thanh cho biết: phần mềm qXR là sản phẩm của công ty QURE.AI – Ấn Độ, hiện nay đang được sử dụng bởi rất nhiều tổ chức, trường đại học, bệnh viện trên thế giới. Đối tượng sử dụng cho người bệnh từ 6 tuổi trở lên, áp dụng được cả phim PA/AP (chụp tư thế sau – trước hoặc trước – sau) và phim chụp tại giường.

Ứng dụng qXR có khả năng phát hiện, xác định và phân loại những tổn thương phổi bất thường trong phim X-Quang. Khi hình ảnh được chụp tại phòng chụp X-Quang sẽ được chuyển hai đường truyền, một đường truyền chuyển thẳng lên hệ thống PACS của bệnh viện, đường truyền còn lại chuyển qua phần mềm qXR để xử lý, đưa ra kết quả và chuyển lên hệ thống PACS sau 1 phút. Kết quả phim chụp có bất thường thì qXR thực hiện khoanh vùng có bất thường và báo cáo tự động về hệ thống PACS.

Ứng dụng qXR tham gia hỗ trợ bác sĩ như một trợ lý, giúp chẩn đoán tốt hơn, đọc và lọc nhanh dấu hiệu, xác định nhanh các trường hợp khẩn cấp cần ưu tiên xử lý, giảm khối lượng công việc, cho phép các bác sĩ có nhiều thời gian điều trị cho bệnh nhân, giảm tỷ lệ bỏ sót tổn thương cho các bác sỹ khi đọc kết quả X-Quang, phát hiện cảnh báo sớm các dấu hiệu ung thư phổi. Hệ thống thị giác máy tính dựa trên các mô hình AI tinh vi có thể phân tích các hình ảnh y tế trong chụp X-Quang với độ chính xác và tốc độ cao hơn. Đến ngày 30/6/2024, Bệnh viện đã áp dụng công nghệ này trên 58.670 ca, thời gian chờ đợi của người bệnh đọc kết quả X-Quang trung bình giảm từ 60 phút xuống còn 20,38 phút.

Với những lợi ích mang lại từ ứng dụng phần mềm qXR – Trí tuệ nhân tạo trong đọc kết quả X-Quang phổi tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện, Bệnh viện TP Thủ Đức đã đạt Giải 3 về mô hình giải thưởng sáng tạo TP Thủ Đức năm 2023 trong lĩnh vực Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật ngành Y.  

Trần Thanh