Bảo hiểm xã hội thành phố Thủ Đức trên bước đường phát triển

BẢN TIN VĂN HÓA - XÃ HỘI

Ngày 16/02/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/CP thành lập Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động – Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động. Hệ thống BHXH Việt Nam được tổ chức, quản lý tập trung, thống nhất từ Trung ương đến cấp quận, huyện.

Vinh dự là người đặt những “viên gạch” đầu tiên cho ngành BHXH huyện Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức), đến trở thành người thụ hưởng chế độ lương hưu và BHYT từ BHXH, bà Lại Thị Huệ, Nguyên Giám đốc BHXH huyện Thủ Đức bồi hồi nhớ lại: Ngày mới thành lập, BHXH huyện Thủ Đức chỉ có 5 nhân sự, chưa có trụ sở làm việc. Năm 1997, huyện Thủ Đức được tách ra thành 3 quận (quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9), được sự quan tâm của lãnh đạo Quận ủy, UBND 3 quận, trụ sở các BHXH được bố trí, xây dựng khang trang phục vụ nhu cầu người dân. Và từ tháng 02/2021, BHXH TP Thủ Đức hình thành trên cơ sở sáp nhập BHXH 3 quận với quy mô lớn hơn gấp nhiều lần… Trải qua 28 năm hình thành và phát triển, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng nỗ lực của tập thể công chức, viên chức toàn ngành qua nhiều thế hệ, ngành BHXH Việt Nam nói chung và BHXH TP Thủ Đức nói riêng đã đạt được những thành tựu đáng kể, từng bước khẳng định chính sách BHXH, BHYT là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, luôn đặt mục tiêu đảm bảo quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng làm trung tâm. Qua đó, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người dân, người lao động.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người tham gia BHXH, BHYT.

Những năm qua, BHXH TP Thủ Đức luôn tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội của địa phương để đem chính sách BHXH, BHYT đến với người dân và người lao động. Hiện nay, BHXH TP Thủ Đức đang quản lý 21.092 đơn vị, với 846.318 người tham gia BHXH, BHYT; trong đó tham gia BHXH, BHYT bắt buộc là 19.551 đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp với gần 300.000 lao động.

Năm 2022, trong điều kiện khó khăn phải thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, BHXH TP Thủ Đức đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Số thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp là 8.135,75 tỷ đồng, đạt 102,33% kế hoạch; tiếp nhận 317.583 hồ sơ và trả kết quả 301.627 hồ sơ; xét duyệt và chi trả cho hơn 612.000 lượt người với tổng số tiền trên 3.335 tỷ đồng, trong đó chi chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức cho 288.937 lượt người, với số tiền 550 tỷ đồng; chi trợ cấp BHXH một lần, với số tiền là 887 tỷ đồng; chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho 29.717 người với số tiền 1.850 tỷ đồng…

Cán bộ hướng dẫn người dân cài đặt VssID-BHXH số và đặt lịch làm việc trang zalo BHXH TP Thủ Đức.

Để thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, BHXH TP Thủ Đức đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến các chế độ BHXH, BHYT, hướng dẫn thủ tục hồ sơ… không chỉ đối với người lao động, người sử dụng lao động mà còn đến tất cả người dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính: cập nhật căn cước công dân, mã định danh cá nhân đối với người tham gia BHXH, BHYT; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, nhận hồ sơ qua cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ bưu chính, tiện ích đặt lịch làm việc với cơ quan BHXH… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động và Nhân dân trong giao dịch hồ sơ.

           Kỷ niệm 28 năm Ngày thành lập ngành BHXH Việt Nam (16/02/1995-16/02/2023), BHXH TP Thủ Đức tiếp tục phát huy truyền thống của đơn vị “Quyết liệt chuyển đổi số, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”.

Lương Hợp