Cũng như nhiều chủ lò gạch tồn tại từ bao đời nay trên địa bàn phường Long Bình, TP Thủ Đức. Gia đình bà Đặng Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty Cổ phần Bến Sạn Tây đã gắn bó với nghề làm gạch theo phương pháp truyền thống suốt 3 đời. Lúc cao điểm gia đình bà Thủy có đến gần 10 miệng lò cùng hàng trăm công nhân làm việc suốt ngày đêm mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình.
Việc hàng trăm lò gạch làm theo phương pháp truyền thống cùng nhau hoạt động hết công suất suốt ngày đêm kèm với đó là lượng khói, bụi xả vào môi trường đã gây ô nhiễm nặng làm ảnh hưởng cuộc sống người dân. Năm 2011, UBND TP Hồ Chí Minh có chủ trương giải tỏa, di dời các lò gạch truyền thống đồng thời, khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi ngành nghề.
Chấp hành chủ trương của Nhà nước, gia đình bà đóng cửa các lò gạch truyền thống. Hàng tỷ đồng tiền đầu tư vào máy làm gạch, phương tiện… bỗng chốc trở thành sắt vụn, kinh tế gia đình sa sút, người lao động mất việc làm. Không chịu nhìn cơ ngơi của ông bà tổ tiên bao đời gây dựng bị hủy bỏ, sau nhiều lần suy nghĩ phải tìm cách nào để giúp mọi người vượt qua khó khăn. Sẵn nhà có đất, có nhân công bà Thủy cùng gia đình quay lại trồng lúa, trồng cây ăn trái… nhưng do đất bị nhiễm phèn và ô nhiễm sau nhiều năm làm gạch nên cây chậm phát triển và không sống nổi, nên đành bỏ hoang cho cỏ mọc.
Một lần vô tình, bà nghe Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh phát sóng chương trình nông nghiệp trong đó giới thiệu người dân huyện Củ Chi trồng hoa lan trên giá thể đem lại thu nhập cao, nhận thấy mô hình trồng lan trên giá thể phù hợp với đất nhà mình vì không cần dùng đất, chỉ có mặt bằng là được, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của địa phương. Bà bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu để tìm lối ra. Bà cho biết: ban đầu để tìm hiểu cách trồng hoa lan, hàng ngày bà phải chạy xe lên Củ Chi để học hỏi các cô chú cách trồng, chăm sóc cây hoa lan; mày mò học hỏi, thử nghiệm trồng lan với vô vàn khó khăn.
Sau một năm miệt mài nỗ lực vườn lan của bà được hình thành. Khởi đầu, bà trồng hoa denrobium bán chậu và hoa mokara cắt cành. Năm 2013 khi có chút kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng hoa lan, bà mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư cải tạo vườn ươm, đầu tư giá thể… Với diện tích 1.300m2, ban đầu sản lượng lan hàng năm đạt khoảng 7.000 chậu được bán chủ yếu cho các chợ truyền thống và các shop hoa trên địa bàn.
Nhờ sự hỗ trợ của Chính quyền địa phương, Hội Nông dân các cấp, bà có dịp tham quan học tập các mô hình kinh tế có hiệu quả ở nước ngoài. Nhận thấy việc trồng và cung cấp hoa lan theo phương thức cũ không ổn định, luôn bị động ở khâu đầu ra, bà quyết định mở cửa hàng hoa lan để trực tiếp đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Sau 3 năm, bà đã trả hết vốn vay đầu tư ban đầu còn trích lợi nhuận ròng để tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đến nay Công ty Cổ phần Bến Sạn Tây chuyên về lĩnh vực nuôi trồng chăm sóc và kinh doanh hoa lan Mokara, Hồ điệp với diện tích gần 10.000 m2, liên tục được mở rộng ra các tỉnh lân cận; hàng năm cung cấp cho thị trường người tiêu dùng từ 20.000 đến 30.000 cành hoa lan Hồ điệp, kể cả ghép chậu và tạo dáng trên các thân gỗ tạo thêm nét thẩm mỹ, giá trị cho những cành hoa lan do đơn vị cung cấp cho người tiêu dùng; ngoài ra Công ty Cổ phần Bến Sạn Tây còn trồng hơn 200 cây mai nguyên thủy dáng bon sai, dáng cổ thụ ước trị giá trên 25 tỷ đồng. Các sản phẩm của Công ty Cổ phần Bến Sạn Tây đạt doanh thu hàng năm trên 10 tỷ đồng.
Hiện nay, Công ty Cổ phần Bến Sạn Tây có 45 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ với thu nhập bình quân từ 8 đến hơn 10 triệu đồng người/tháng. Công ty cũng luôn đặt trách nhiệm của mình làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người lao động cũng như nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh góp phần cùng TP Thủ Đức thực hiện có hiệu quả nông nghiệp đô thị, với mong muốn cùng với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xây dựng TP Thủ Đức trở thành đô thị thông minh, sáng tạo; có chất lượng sống tốt, văn minh – hiện đại – nghĩa tình; phát triển nhanh, bền vững.

Là doanh nghiệp, không đơn thuần là giá trị doanh thu, lợi nhuận, bản thân bà đã chia sẻ những yêu thương với tinh thần tương thân tương ái tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước của các cấp hội, đoàn thể phát động với số tiền gần 2 tỷ đồng. Trong đó, nhận phụng dưỡng thường xuyên cho 01 Mẹ Việt Nam anh hùng số tiền 2 triệu đồng/tháng; nhận chăm lo thường xuyên cho 1 trẻ mồ côi mỗi tháng 01 triệu đồng. Trong năm 2021, ủng hộ các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch số tiền 1 tỷ 220 triệu đồng.
Với những việc làm ý nghĩa, bà đã nhận được những phần thưởng cao quý: Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ năm 2018; Kỷ niệm chương Hoa việc thiện năm 2018 do Hội Chữ thập đỏ Quận 9 tặng; Gương “Điển hình tiên tiến” giai đoạn 2015-2019 do Ban Chấp hành Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh tặng năm 2020; Giấy khen Hoa việc thiện do Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh tặng năm 2022. Đặc biệt, trong năm 2022, bà được Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh tặng Giấy khen “Sản phẩm Nông nghiệp tiêu biểu TP Hồ Chí Minh” năm 2021.
Ông Đoàn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh cho biết: đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của người nông dân đam mê với nghề, gắn bó với nền sản xuất nông nghiệp. Bà là gương nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao; cùng với trí tuệ và niềm đam mê, ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi, đột phá trong ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp để phát huy, xây dựng thương hiệu, vượt lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Chí Lộc