Cách đây 13 năm, khi đó anh Trần Lâm Thắng đang làm bảo vệ cho khu phố Long Bửu, phường Long Bình, Quận 9. Mỗi khi mấy đứa nhỏ tại khu phố đánh nhau là người dân lại kêu anh đến giảng hòa. Như mọi khi, sau khi giảng hòa, anh bắt mấy đứa nhỏ viết bản kiểm điểm hứa không tái phạm thì phát hiện không đứa nào biết chữ. Chính điều đó đã làm anh suy nghĩ rất nhiều. Sau khi tìm hiểu cặn kẽ, anh thấy rằng hầu hết các em nhỏ đều là con em của những hộ lao động nghèo, các em bỏ học từ rất sớm do cuộc sống nay đây mai đó của cha mẹ. Ban ngày các em phụ cha mẹ bán báo, bán vé số, ban đêm làm lò gạch… để kiếm thêm thu nhập.
Xuất phát từ lòng thương cảm hoàn cảnh của các em, anh Thắng đã thành lập một lớp học tình thương để dạy chữ cho các trẻ em nghèo trong khu phố. Nghĩ là làm, anh liền vận động Đoàn thanh niên phường thành lập lớp học để dạy chữ cho các em. Được Đoàn phường đồng ý, anh bắt đầu đi gõ cửa từng nhà để vận động cha mẹ các em cho các con đi học. Tuy nhiên, hầu hết cha mẹ các em đều từ chối với một lý do duy nhất là sợ các em đi học rồi không có thời gian phụ giúp cha mẹ mưu sinh. Đi vận động một lần không được thì đi lần 2, lần 3… Anh đi đến khi nào cha mẹ các em chịu cho con mình đi học mới thôi, “nắng cũng đi mà mưa cũng tới”… anh vừa cười vừa nói, rất may là cuối cùng thì sự thành ý của anh đã được cha mẹ các em chấp thuận cho con đến lớp học tình thương.
Đã hơn 10 năm qua, lớp học tình thương của anh Thắng luôn sáng đèn mỗi tối và hình ảnh anh bảo vệ dân phố tất bật lo cho các lớp học đã trở thành việc quen thuộc thân thương của người dân nơi đây. Vì cảm phục tấm lòng của anh, các bạn sinh viên CLB Thiện nguyện của Trường Đại học Giao thông Vận tải phân hiệu TP Hồ Chí Minh đã tình nguyện hỗ trợ dạy học, từ đó giúp lớp học mở rộng quy mô hơn rất nhiều, tạo điều kiện cho các trẻ em nghèo được tiếp cận thêm kiến thức, để các em có một tương lai tươi sáng hơn.
Tại lớp học tình thương của anh Trần Lâm Thắng còncó rất nhiều em ban ngày phải đi bán vé số hay bán báo và các công việc khác phụ ba mẹ. Tuy mỗi đứa trẻ có một hoàn cảnh, một câu chuyện khác nhau, nhưng chúng có chung một ước mơ được đến trường lớp, được biết đến cái chữ, được khôn lớn như những đứa trẻ may mắn khác.
Em Đinh Quốc Khánh, năm nay 14 tuổi, nhà ở đường số 10, khu phố Long Bửu, phường Long Bình, hiện đang học lớp 1 cho biết: mẹ em bỏ đi khi em mới 3 tuổi, em ở với ba và ông nội, ba em làm thợ hồ, thu nhập bấp bênh nên em không có điều kiện đến trường. Biết được hoàn cảnh đó của em, thầy Thắng đã đến vận động ba em cho em được đến lớp.

Anh Trần Lâm Thắng hướng dẫn cách viết chữ cho các em học sinh lớp 1.
Chờ đón con sau giờ học, chị Nguyễn Thị Út Chín, quê Vĩnh Thuận, Kiên Giang, hiện đang thuê trọ ở khu phố Thái Bình 2, phường Long Bình có 3 con đang theo học lớp học tình thương chia sẻ: năm 2018, chị dẫn các con lên TP tìm việc làm, khi đó 2 con lớn của chị, đứa đang học lớp 1, đứa đang học lớp 3. Tuy nhiên, công việc và thu nhập không ổn định nên các con đành phải nghỉ học giữa chừng. Năm 2021 nghe tin có lớp học tình thương nên chị đã đến gặp thầy Thắng xin học cho con. “Các con được đi học, mình vui mừng vô cùng, chỉ mong sao các con được học lấy cái chữ để sau này đỡ khổ” – chị Út Chín chia sẻ. “Vừa rồi, đứa con nhỏ của mình vừa đủ tuổi đi học, mình cũng xin thầy Thắng cho con đi học lớp 1; “các con đi học ở đây, mình chỉ bỏ công để đưa đón, còn sách, vở, bút và quần áo đồng phục thầy Thắng cho rồi” – chị Út Chín cho biết thêm.
Tham gia lớp học tình thương, các em không chỉ được thầy Thắng và các thầy cô là sinh viên tình nguyện dạy văn hóa mà các em còn được dạy kỹ năng sống để tự bảo vệ bản thân như: chống xâm hại tình dục, ma túy, bạo lực gia đình; được tổ chức nhiều chương trình khác như: Tết Thiếu nhi 01/6, Tết Trung thu, tổ chức trò chơi dân gian…
Hiện tại lớp học tình thương có 75 em, để duy trì sự ổn định, khối lượng kiến thức của lớp học, ngoài sự trợ giúp của các bạn sinh viên tình nguyện, anh Trần Lâm Thắng luôn cố gắng tự trau dồi kiến thức bản thân cũng như tranh thủ thời gian rảnh rỗi của mình để lên lớp với các em. Anh cho biết: công việc hàng ngày khá vất vả, nhưng mỗi khi lên lớp thấy các em học sinh tíu tít, say sưa với con chữ thì bao mệt mỏi như tan biến. Với anh, niềm vui đơn giản chỉ là mỗi ngày được lên lớp, được nhìn các em đi học đầy đủ, chăm ngoan…

Anh Trần Lâm Thắng được tuyên dương gương Công dân tiêu biểu TP Thủ Đức lần II, năm 2022.
Bên cạnh việc dạy và phụ trách lớp học tình thương, anh Trần Lâm Thắng còn tích cực vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm tặng sách vở, đồ dùng học tập, quà cho học sinh lớp học tình thương do anh phụ trách với kinh phí trên 200 triệu đồng mỗi năm; tặng quà Tết cho các hộ gia đình khó khăn, cụ già neo đơn với kinh phí 30 triệu đồng/năm; hỗ trợ tiền ăn học cho 02 em học sinh lớp 8 Trường THCS Hưng Bình, phường Long Thạnh Mỹ với số tiền 30 triệu đồng/em/năm…
Với những đóng góp của mình, anh Trần Lâm Thắng vinh dự được UBND TP Hồ Chí Minh tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” lần 4, năm 2020; UBND TP Thủ Đức tuyên dương gương Công dân tiêu biểu TP Thủ Đức lần thứ II, năm 2022.
Đình Quân