Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phương hướng: “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”. Định hướng này mở ra một bước ngoặt mới đối với việc cần thiết phải xây dựng một không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố vinh dự được mang tên Bác; qua đó thể hiện tình cảm, trách nhiệm, niềm tin và lòng tự hào của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thành phố đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; không ngừng gìn giữ và bồi đắp những giá trị đạo đức cao quý theo lời dạy của Người cho mỗi người dân thành phố, góp phần đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa và đi vào chiều sâu. Do đó việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần gắn với việc triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt trong khuôn viên trụ sở Thành ủy Thủ Đức.
Trong thời gian qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng đã trở thành việc làm thường xuyên, tự giác trong công việc cũng như hoạt động hàng ngày của đa số cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân thành phố Thủ Đức; trở thành động lực để cấp ủy các Chi bộ, Đảng bộ cơ sở, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; qua đó giúp Đảng bộ TP Thủ Đức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh trên địa bàn. TP Thủ Đức cũng đã có nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo để nâng cao hiệu quả việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ chính trị. Các mô hình hay, cách làm mới từ cơ sở, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất hiện ngày càng nhiều trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, văn hóa, lịch sử, gương người tốt việc tốt và các điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục được quan tâm thường xuyên theo hướng tác động trực tiếp vào tư duy, nhận thức của các đối tượng tiếp nhận. Điều này đã và đang trở thành tiền đề quan trọng để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP Thủ Đức từng bước xây dựng, hình thành “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên địa bàn.
Thành ủy Thủ Đức đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị với nhiều mô hình, cách làm phong phú, sáng tạo. Tiêu biểu như: xây dựng “Chuyên mục không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên Bản tin thành phố Thủ Đức và trên chuyên trang điện tử “Thành phố Thủ Đức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để tuyên truyền, giới thiệu các tư liệu, tin, bài, hình ảnh, infographic, video clip…về chủ tịch Hồ Chí Minh, về các gương tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác và việc triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn; phối hợp với Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh biên tập và hoàn thành Sách điện tử “Tỏa ngát hương sen – Những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác, giai đoạn 2016 – 2021”; thực hiện biên tập, phát hành 1172 cuốn sách “Những tấm gương Bí thư chi bộ khu dân cư, Đảng viên tiêu biểu năm 2022” và 1000 quyển tập san “Viết lên niềm tin”; tổ chức hội thi “Gương sáng quanh ta” thu hút 135 video clip tham gia từ các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, đoàn thể để giới thiệu, tuyên truyền nhân rộng những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác…; đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, tuyên truyền, sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”; biểu dương, khen thưởng hơn 283 gương tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác cấp TP Thủ Đức và đề xuất biểu dương cấp TP Hồ Chí Minh; quảng bá bộ sách “Vang vọng lời nước non, những câu trích mang giá trị giáo dục và ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được tuyển chọn trong bộ Hồ Chí Minh toàn tập” đến các chi, đảng bộ cơ sở, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn làm tài liệu nghiên cứu, tuyên truyền việc học tập và làm theo Bác.
Đặc biệt TP Thủ Đức đã xây dựng và phát huy được “Giải thưởng sáng tạo thành phố Thủ Đức” và Danh hiệu “Công dân tiêu biểu thành phố Thủ Đức”. Từ năm 2021 đến nay, TP Thủ Đức đã tổ chức trao tặng 11 “Giải thưởng sáng tạo” để tuyên dương các mô hình, giải pháp sáng tạo, thiết thực được nhân rộng và áp dụng hiệu quả trên các lĩnh vực khác nhau và vinh danh 22 cá nhân đạt Danh hiệu “Công dân tiêu biểu thành phố Thủ Đức” vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong lao động, học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội tích cực trên địa bàn TP Thủ Đức. Đồng thời, Thành ủy Thủ Đức cũng đang trong quá trình triển khai thực hiện phần mềm “Sổ tay điện tử học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm hỗ trợ, đổi mới thay thế phương pháp đăng ký các nội dung, mô hình, công trình và phần việc trong học tập và làm theo Bác từ văn bản giấy truyền thống sang ứng dụng nền tảng khoa học công nghệ; tạo thuận lợi cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiếp cận thông tin, tuyên truyền, đăng ký và đánh giá kết quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hàng năm.
Song song đó, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cũng được Thành ủy Thủ Đức xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là bước đột phá trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; qua đó khơi dậy ý chí, niềm tin của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân thành phố tự hào về vùng đất Thủ Đức là một phần của Sài Gòn – Gia Định – TP Hồ Chí Minh, là nơi có truyền thống cách mạng và có nhiều di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp TP Hồ Chí Minh. Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức đã tổ chức hội nghị mời các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí nguyên lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, các đồng chí là Hội đồng cố vấn của Ban chỉ đạo Thành ủy TP Hồ Chí Minh về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, các đồng chí công tác trong ngành văn hóa, các bảo tàng trên địa bàn thành phố…tham dự góp ý cho kế hoạch xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh của TP Thủ Đức; Qua đó, đã ban hành và triển khai kế hoạch xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với giữ gìn và phát huy đặc trưng văn hóa của TP Thủ Đức giai đoạn 2022-2025” nhằm tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác, thấm nhuần tư tưởng của Người vào trong đời sống xã hội, trở thành lối sống, nếp nghĩ, nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn TP Thủ Đức; Đồng thời, chỉ đạo UBND TP Thủ Đức xây dựng Chương trình phát triển ngành văn hóa TP Thủ Đức đến năm 2025 và định hướng phát triển đến năm 2030; thực hiện các nội dung xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức sưu tầm các câu nói, lời dạy, bài thơ hay, ý nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiết kế thành danh mục và triển khai đến cơ sở để tuyên truyền, sử dụng trong quá trình xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn, đồng thời tham khảo, chủ động sử dụng phù hợp, tuyên truyền bằng nhiều hình thức; quan tâm nghiên cứu, sử dụng những câu nói, lời dạy, bài thơ…của Chủ tịch Hồ Chí Minh để khắc trên đá (hoặc các chất liệu phù hợp) phục vụ xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các công viên trên địa bàn 34 phường, nhằm tạo sự lan tỏa những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến các tầng lớp Nhân dân theo tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Kết quả, tính đến ngày 19/6/2023 trên địa bàn TP Thủ Đức đã xây dựng và ra mắt được 256 không gian văn hóa Hồ Chí Minh, trong đó có 05 công ty, 07 chung cư, 06 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng dân gian, 13 nhà trọ văn hóa, 140 trường học, 10 tổ chức Hội – Đoàn thể; 09 Trung tâm văn hóa thể thao, Công viên, Điểm sáng văn hóa, trong địa bàn khu dân cư và 66 cơ quan, đơn vị, Đảng bộ, Chi bộ.
Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TP Hồ Chí Minh nói chung, TP Thủ Đức nói riêng, là nhiệm vụ phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài, cần sự quyết tâm và kiên trì của cả hệ thống chính trị, thông qua xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh góp phần tích cực làm cho việc học tập và làm theo Bác trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa của đảng viên và Nhân dân Thành phố, hướng đến hình thành lối sống cao đẹp, đầy nhân nghĩa nơi con người Thành phố, mang đậm chất văn hóa Hồ Chí Minh.
Để tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minhtại TP Hồ Chí Minh gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như sau:
Một là, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải song song với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác lại các luận điệu xuyên tạc hình ảnh về Bác, những lập luận không đúng với tư tưởng của Người; quyết liệt trong xử lý đối với những trường hợp vi phạm, nhất là trên không gian mạng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để khơi dậy niềm tự hào của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân TP Hồ Chí Minh đối với Bác Hồ – địa phương duy nhất được vinh dự mang tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Hai là, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải được tập trung và làm trước trong hệ thống các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Trong đó xác định vai trò của các đoàn thể đại diện cho các giới, thành phần trong xã hội đối với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cụ thể cần xây dựng không gian Bác Hồ với giai cấp công nhân, Bác Hồ với giai cấp nông dân, Bác Hồ với phụ nữ, thanh niên, thiếu nhi, Bác Hồ với lực lượng vũ trang… để việc học tập và làm theo Bác ngày càng sâu rộng hơn nữa và để thấy được tình yêu thương bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các tầng lớp Nhân dân, nuôi dưỡng tình cảm đó và trao truyền cho thế hệ sau của từng giới, từng ngành, để tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào lòng người dân thành phố.
Ba là, rà soát, bổ sung, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, các không gian mở ở nhiều khu vực/lĩnh vực khác nhau trên địa bàn thành phố làm cơ sở cho việc kiến tạo không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP Hồ Chí Minh trong tương lai. Quy hoạch và xây dựng các công trình văn hóa tiêu biểu của Thành phố gắn với tôn vinh sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn kết với phát huy giá trị của di sản văn hóa ở thành phố để hình thành một tài sản tinh thần mang giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên thành phố mang tên Bác và nhằm phục vụ đời sống tinh thần của Nhân dân, góp phần phát triển thành phố trên nhiều lĩnh vực.
Bốn là, Cấp ủy Đảng, Chính quyền, đoàn thể các cấp tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu của người đứng đầu, cụ thể hóa việc thực hiện lan tỏa mạnh mẽ những giá trị tốt đẹp của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, triển khai hiệu quả việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, góp phần tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và mỗi người dân trong việc cùng nhau hưởng ứng và tích cực tham gia vào quá trình xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh góp phần thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP Hồ Chí Minh và TP Thủ Đức; chung sức chung lòng xây dựng, phát triển TP Hồ Chí Minh trở thành “đô thị thông minh, thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng TP Thủ Đức trở thành “thành phố xanh, thông minh, hạ tầng kỹ thuật và quản lý xã hội hiện đại, hội nhập quốc tế, là nơi đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế của TP Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam Bộ” như quan điểm chỉ đạo của Thành ủy TP Hồ Chí Minh tại Nghị quyết số 08-NQ/TU về phương hướng, nhiệm vụ và một số cơ chế phát triển TP Thủ Đức giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
BAN TUYÊN GIÁO THÀNH ỦY THỦ ĐỨC